Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 công bố ngày 29/6 bởi Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 của cả nước giảm 0,17% so với tháng 5, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,2% so với tháng 12/2016. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê nhận định, có 3 nguyên nhân chính làm giảm CPI tháng 6/2017, đó là sự sụt giảm của chỉ số giá nhóm lương thực, nhóm thực phẩm và nhóm nhiên liệu.
Trước hết, đối với chỉ số giá của nhóm lương thực, chỉ số giá này đã giảm 0,51% do các tỉnh phía Bắc thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân, thời tiết thuận lợi cho việc thu hoạch, việc cung lứa gạo dồi dào khiến cho giá một số loại gạo giảm, kéo theo chỉ số giá lương thực giảm.
Chỉ số giá nhóm thực phẩm trong tháng 6 cũng đã giảm 0,85%. Do đây là nhóm hàng có tỷ trong cao nhất trong Hàng ăn và dịch vụ ăn uống nên đã dẫn tới chỉ số CPI chung giảm.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 5/6 và điều chỉnh giảm vào 20/6 nhưng tổng chung giá xăng đã giảm 560 đồng/lít, giá các mặt hàng xăng dầu khác cũng giảm nhẹ so với tháng trước, điều này đã góp phần vào việc giảm CPI chung khoảng 0,06%.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra 3 nguyên nhân lớn khác đẩy tăng chỉ số giá tiêu dùng, đó là: Sự tác động của thời tiết, sự biến động của chỉ số giá nhóm vật liệu và nhóm du lịch.
Thời tiết nắng nóng bất thường trong tháng 6 đã khiến cho sức tiêu thụ điện và nước gia tăng. Cụ thể, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,36%; chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,65% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 1,62% trong tháng vừa qua, chủ yếu tăng ở nhóm cát xây dựng do các tỉnh thành siết chặt việc quản lý khai thác cát và các cơ quan chức năng ngừng cấp phép hoạt động các mỏ mới.
Yếu tố cuối cùng là do tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,45% so với tháng trước.
Tất cả những yếu tố trên đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của tháng 6 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung, khiến cho CPI của tháng 6 dù sụt giảm nhẹ nhưng mặt bằng chung của chỉ số này trong nửa đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định.