1. Tác hại của bún chứa hóa chất

Bún chứa hóa chất chính là có chứa chất huỳnh quang hay còn gọi là tinopal, là hóa chất tẩy rửa cực mạnh, ở dạng bột màu trắng hay màu vàng, thường được sử dụng trong sản xuất công nghiệp với mục đích làm sáng bóng các sản phẩm như giấy, sơn, vải sợi, mỹ phẩm…Tại Việt Nam, tinopal không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế.

Như vậy, tinopal là chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, chất huỳnh quang này lại được người sản xuất sử dụng trong bún, phở gây hoang mang cho người tiêu dùng. Hóa chất này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tác động đến quá trình sinh tổng hợp các chất dinh dưỡng trong tế bào, đặc biệt là tổng hợp protein.

Điều này dẫn đến nhiều rối loạn trong quá trình được hấp thu vào trong cơ thể, gây tổn thương ống tiêu hóa, gan và thận…

2. Mẹo phân biệt bún sạch và bún chứa hóa chất

Màu sắc

Cách nhận biết bún độc hại, chứa hóa chất đơn giản đầu tiên đó là dựa vào màu sắc của sợi bún.

Bún được làm từ gạo nguyên chất theo phương pháp truyền thống, không chứa hóa chất có sợi màu trắng đục hoặc tối màu. Đây là màu đặc trưng của bột gạo.

Ngược lại, bún chứa hàn the hay hóa chất bảo quản sẽ có màu trắng trong, sáng và sợi bún có độ bóng mẩy. Khi đưa ra ngoài trời thường rất óng ả đẹp mắt và thường hấp dẫn đối với "thị yếu" của người tiêu dùng.

Độ kết dính và dai

Bún không chứa hàn the, hóa chất, sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn.

Bún chứa hàn the, sợi bún dai giòn hơn, khó đứt gãy các sợi bún ít có sự kết dính với nhau. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn và bún chứa hóa chất thì lâu thiu hơn bún thường..

Bạn có thể kiểm tra độ kết dính của bún, phở bằng cách, sờ vào các sợi bún, phở và miết hai đầu ngón tay nếu thấy sợi mềm, dính nhiều là bún thường, còn ngược lại là bún chứa hóa chất độc hại.

Mùi vị

Cách nhận biết bún độc hại, chứa hóa chất gây ung thư tiếp theo đó là dựa vào mùi, vị của sản phẩm. Thông thường, bún không chứa hàn the có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. Đây là mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún.

Bún chứa hàn the sẽ không có mùi chua dịu của gạo ngâm.

Nếu bún để ngoài chợ tới cuối ngày với nhiệt độ cao mà không có mùi chua, thì nhiều khả năng bún đã sử dụng hàn the và hóa chất. Bún không sử dụng hàn the và hóa chất khi ăn sẽ có cảm giác tinh bột và mùi vị của bột gạo như ăn cơm. Bún mua về để hơi lâu hoặc qua ngày sẽ bị chua và ôi thiu.

Những loại bún để 2 - 3 ngày chưa ôi thiu, khi nhai trong miệng không có mùi vị là loại sử dụng hàn the và hóa chất quá liều lượng. Nếu lấy bột nghệ thử sẽ thấy sợi bún chuyển sang màu xám./.

Theo Nhật Linh (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam