ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân - trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) chia sẻ, có một số phương pháp bảo quản, xử lý từng loại thức ăn rất dễ dàng, thuận tiện cho chị em sử dụng vừa giúp đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh vừa tốt cho cơ thể.

1. Bánh chưng, bánh tét

Có thể cất vào ngăn mát nhưng khi đã bị nhớt không nên dùng lại, không để lại vào ngăn đá. Bánh chưng, bánh tét bị khô thì có thể hấp hoặc chiên lại.

Kết hợp giữa món bánh chưng chiên và cơm risotto kiểu Ý, food blogger Chánh Trần (TPHCM) tạo nên món bánh chưng chiên kiểu mới phù hợp với gia đình nào lỡ có món bánh chưng "ế".

Anh hướng dẫn: "Bánh chưng, bánh tét chiên sau tết là món quen thuộc. Tách riêng phần nếp của bánh với phần nhân ra. Dùng cối quết nhuyễn từng phần. Vì bánh tét, bánh chưng lúc làm người ta đã nêm gia vị rồi nên không cần nêm nữa. Nếp sau khi giã nhuyễn thì cán mỏng, cho phần nhân đậu xanh vào bên trong, vo thành viên tròn. Đun nóng chảo dầu, cho bánh nếp vào chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. Món bánh nếp này ăn kèm tương ớt, nước mắm chua ngọt đều được".

2. Thịt kho thịt luộc, giò chả

Sau khi dùng còn thừa nên cất vào ngăn mát để bữa ăn tới đem hâm lại. Nhưng nếu lưu giữ trên 3 ngày thì nên cho vào ngăn đá để đông, giữ được trong 1 tuần.

Ngoài ra, bánh chưng, bánh tét có thể dát mỏng, cuộn cùng giò chả cắt sợi và củ kiệu/hành ngâm ở giữa, chiên giòn ăn với rau sống.

3. Dưa hành, dưa kiệu

Có thể để bên ngoài nhưng nếu muốn lâu chua, giảm lên men thì để vào ngăn mát tủ lạnh, giữ được 1-2 tuần.

Theo anh Chánh Trần, dưa kiệu muối chua nếu không ăn hết thì sau tết khó mà tái sử dụng được vì ngán. Theo anh: "Để chống ngán, với kiệu ngâm giấm vớt ra, dùng dao thái cắt thành từng cọng nhỏ nhỏ, trộn gỏi. Những ngày này nhà nào cũng có nhiều khô bò, khô mực, khô gà… thêm rau thơm, ít đậu phộng rang, củ hành tây, ít ngó sen là đủ nguyên liệu cho món gỏi. Nước trộn gỏi là nước mắm chua ngọt thông thường. Những ngày ngán thịt mỡ, mà có món gỏi chua ngọt này ăn cực kỳ bắt cơm, hoặc đem đãi khách thì thật tuyệt".

4. Thịt gà

Thịt gà chưa ăn hết có thể dùng để nấu súp hoặc cháo, hoặc xé nhỏ trộn gỏi. Phần thịt cũng có thể dùng làm ruốc (chà bông) gà.

5. Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng

Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng… còn thừa có thể thái lát, thái chỉ xào với rau củ và nấm. Hoặc bạn cũng có thể dùng giò chả còn thừa cắt hạt lựu để làm món cơm chiên Dương Châu.

Có một cách nữa là giò chả đem cắt hạt lựu, trộn cùng với hành tây và ớt chuông cũng cắt hạt lựu, kết hợp với trứng thành món trứng hấp, trứng chưng, trứng bác...Bánh chưng, dưa kiệu thành món khai vị.

Lưu ý trước khi tái chế thức ăn thừa sau Tết

Khi tái chế thức ăn, chị em nên lưu ý các nguyên tắc để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Đã có không ít trường hợp các thành viên trong gia đình bị ngộ độc, rối loại tiêu hóa vì những món ăn tái chế sau Tết.

Để thực phẩm tái sử dụng được vệ sinh, an toàn và ngon miệng, thì phải bảo quản kĩ lưỡng. Đối với các loại thực phẩm chế biến cùng gia vị như chả, nem, thịt, cá… tốt nhất nên để trong hộp đậy kín hoặc có bọc màng bọc thực phẩm để tránh bị khô, ám mùi tủ lạnh và vi khuẩn tấn công gây mau hư.

Tuy nhiên, dù sao thức ăn đã chế biến và trải qua một mùa Tết rồi thì không nên để quá lâu. Chị em nên có sự phân loại để "lên lịch" tái chế thức nào trước. Ví dụ các món bò, gà, giò măng… thì nên ưu tiên hàng đầu. Còn các món thịt nguội, giò chả hay đồ khô hơn thì có thể để lâu hơn.

Nhiều bà nội trợ có chút lầm lẫn trong việc tái sử dụng đồ ăn đã bắt đầu hư hỏng. Đối với bánh chưng, bánh tét có người cho rằng chỉ cần cắt bỏ chỗ mốc, nhũn là có thể ăn được phần còn lại. Hoặc giò bắt đầu có mùi nhưng vẫn cố hớt bỏ phần bên ngoài để chế biến lại.

Tuy nhiên, điều này đã được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo một khi thực phẩm đã lên mốc, nhũn hoặc có mùi tức là đã trong quá trình phân hủy. Lúc này vi khuẩn tấn công mạnh mẽ. Không chỉ phần thực phẩm lên mốc, nhũn bị hư. Phần chưa có dấu hiệu cũng đã trong quá trình phân hủy và phát sinh các chất độc hại.

Vì thế, cách tốt nhất là bảo quản thức ăn cho cẩn thận, sớm "tái chế" trước khi hư hỏng. Nếu một khi thức ăn đã có dấu hiệu hư hỏng, chị em nên bỏ, không tiếc rẻ.

Công thức một số món ngon tận dụng từ đồ ăn thừa sau Tết của chị Lê Thị Thu Hà (Hà Nội) – một người yêu thích nội trợ nổi tiếng trên facebook

GÀ BÓP THẤU

Nguyên liệu:

- 350gr ức gà

- 160gr hành tây; 50gr cà rốt; chanh; rau răm, hạt tiêu, tỏi, ớt

Cách làm:

Cà rốt bào sợi, bóp sơ với chút muối tinh, rửa bằng nước sạch, tráng lại bằng nước sôi để nguội, vắt ráo nước. Hành tây bổ dọc làm 6 cánh, giữ lại những cánh ngoài để làm cánh hoa trang trí còn lại đem thái mỏng, thả vào nước lã hoặc nước đá lạnh 10-15 phút sau đó vớt ra ngâm vào bát cùng 2/3 thìa canh đường + 2 thìa canh dấm khoảng 20 phút nữa.

Thịt gà rửa sạch, luộc chín vừa tới cùng gừng + hành đã nướng và đập dập, vớt ra chờ nguội, xé miếng bằng cỡ đầu đũa.

Cho thịt gà + 1 thìa canh nước mắm + 1 thìa canh đường + hạt tiêu + tỏi, ớt băm nhỏ + 1/2-1 thìa nước cốt chanh bóp đều. Vớt hành tây ra cho vào bóp nhẹ cùng thịt gà, thêm rau răm thái nhỏ vừa vào bóp nhẹ tiếp là hoàn thành xong món gà bóp thấu rồi. Giờ thì trang trí thêm hành tây và dưa leo, ớt đỏ nữa cho hấp dẫn.

CƠM GÀ

Chuẩn bị:

- Gà

- Hành tây, hành khô, gừng, bột nghệ

- Nước mắm, đường, tỏi, ớt, chanh, hạt tiêu, rau răm

- Ăn kèm: củ cải, cà rốt muối chua

Cách làm:

Hành tây thái mỏng, xả dưới vòi nước rồi ngâm cùng chút đường + dấm 20 phút sau đó vớt hành ra cho khỏi hăng.

Luộc chín gà cùng củ hành khô và gừng nướng sơ đập hơi dập + chút bột ngệ. Chờ gà nguội thì xé gà thành miếng nhỏ vừa. Mề gà thái miếng.

Trộn gà + mề gà với chút nước mắm + đường + tỏi + ớt + nước cốt chanh sao cho vừa ăn. Thêm hành tây ngâm đường và hạt tiêu xay + rau răm.

Đồ chua ăn kèm: Củ cải + cà rốt (230gr) đem bào sợi, bóp qua với muối cho mềm, xả nước sạch, bóp kiệt nước rồi ngâm ít nhất 2-3h cùng 100ml dấm + 1 thìa canh đường +1/5 thìa ăn cơm muối. Nên làm đồ chua này để ngăn mát tủ lạnh hôm trước. Bảo quản hũ đồ chua trong ngăn mát tủ lạnh. Độ chua mặn ngọt có thể điều chỉnh theo khẩu vị.

Phi thơm tỏi với mỡ gà rồi đổ gạo đã vo sạch vào xào qua sau đó đổ vào nồi cơm điện, chế thêm nước dùng gà vào và nấu cơm bình thường. Muốn cơm có màu vàng nhiều hơn nữa thì khi xào gạo bạn cho thêm 1 chút xíu bột nghệ nữa.

Phi thơm tỏi hành khô và đổ lòng gà vào đảo đều, đổ tiếp nước dùng gà vào đun sôi, nêm nếm cho vừa ăn, tắt bếp để được phần nước dùng ăn kèm cơm.

Phi thơm tỏi với dầu ăn, đổ ớt tươi đã xay + chút xíu muối + đường vào xào để được tương ớt xào (nhớ đeo khẩu tran). Nếu không ăn được cay thì trong phần ớt tươi kia bạn dùng cả ớt hiểm lẫn ớt sừngNén chặt cơm vào bát và úp ngược lại ra đĩa, thêm gà xé phay + đồ chua bày ra bàn. Múc nước dùng có lòng gà ra bát rắc thêm hành, mùi đặt bên cạnh và đừng quên đặt thêm bát nước chấm gồm xì dầu + tương ớt xào.

GÀ CHIÊN NƯỚC MẮM

Pha hỗn hợp nước mắm gồm: 3 thìa nước mắm + 1,5 thìa nước lọc + 2/3 thìa đường + 3 thìa tương ớt + 1/2 thìa hạt nêm + hạt tiêu xay (tất cả dùng thìa ăn cơm để đong). Độ mặn ngọt có thể tự điều chỉnh theo khẩu vị.

430gr thịt gà chặt miếng vừa ăn hoặc có thể dùng cánh gà, đùi gà chặt... cho vào nồi luộc cùng chút muối + đường khoảng 20 phút sau đó vớt ra để thật ráo nước rồi chiên cho vàng đều bên ngoài.

Phi thơm tỏi băm với chút dầu ăn, cho hành tây thái miếng vào đảo đều, nếu muốn có màu sắc sặc sỡ bạn có thể thêm ớt chuông xanh, đỏ, vàng và đầu hành lá cắt khúc dài cỡ 5-6cm vào đảo cùng. Tiếp theo sẽ đổ thịt gà vào đảo và cuối cùng đổ hỗn hợp mước mắm vào đảo cho thấm là hoàn thành xong.

MIẾN TRỘN NGAN

Món này vừa tận dụng miến thừa và ngan thừa.

Chuẩn bị:

Hỗn hợp nước sốt: Phi thơm tỏi với chút dầu ăn,thêm ớt băm + 9 thìa canh xì dầu + 1,5 thìa thìa canh đường + 1,5 thìa canh tương ớt khuấy sôi, tắt bếp rồi thêm 1,5 thìa canh nước cốt me hoặc nước cốt chanh. Độ chua cay mặn ngọt tự nêm nếm cho vừa khẩu vị

- 15gr măng khô luộc nước đầu bỏ đi,rửa lại rồi cho vào nồi ninh cùng khung xương ngan cho mềm (dùng măng rối).

- 150gr thịt lườn ngan thái mỏng; 300gr miến ngâm nước lã cho mềm cắt đoạn vừa ăn; 90gr giá đỗ cho vào nồi nước lã đun tới khi thấy sôi lăn tăn thì vớt giá ra ngâm vào nước lạnh rồi đổ ra rổ cho ráo nước.

Cách làm:

Chần chín miến, không được để nát, vẩy sạch để ráo hết nước. Đổ ra từng tô riêng, thêm vào mỗi tô 1 thìa cafe dầu mè đen, hành lá thái nhỏ, kinh giới, húng, rau mùi thái nhỏ vừa, hạt tiêu, lạc rang giã hơi dập, hành phi vàng giòn.

Phần thịt ngan, măng khô ninh, nước sốt chia làm các phần bằng nhau xếp vào từng tô và rưới đều vào từng tô. Món này khi ăn sẽ rưới thêm chút tương ớt (nếu thích), trộn đều và được ăn kèm với măng ngâm dấm ớt và nước dùng xương ninh.

NGAN TRỘN VỪNG

Chuẩn bị:

- Lườn ngan

- Hành củ, gừng, sả, hành tây, tỏi

- Dấm, đường, gia vị

- Lá chanh, vừng ran

Cách làm:

Lườn ngan lọc bỏ xương, chỉ lấy phần thịt nạc luộc chín vừa tới với hành, gừng nướng, sả đập dập sau đó thái thịt thật mỏng. Nếu bạn muốn dùng nước dùng để ninh măng hay nấu các món khác thì khi luộc thịt đừng cho sả.

Hành tây thái mỏng, ướp với chút dấm + đường 30 phút trước khi cho vào trộn cùng.

Một chút dầu ăn + tỏi băm nhỏ + sả thái mỏng cho vào chảo, bật bếp và đảo qua, thật nhanh tay cho dậy mùi thơm, tắt bếp.

Đổ thịt vào tô, thêm hỗn hợp dầu tỏi băm phía trên cùng đường, bột ngọt, bột canh hoặc tương bần, ớt, nước cốt chanh vào, đeo găng tay nilon vào bóp đều để tất cả được thấm hết gia vị.

Bước cuối cùng là vớt hành tây ra cho vào chảo + lá chanh thái chỉ + vừng rang vàng vào bóp nhẹ đều lại lần nữa là xong.


Theo Gia đình và Xã hội