Cụ thể, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, ngày 09/02/2019 toàn quốc xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, bị thương 33 người. Trong đó: đường bộ xảy ra 34 vụ, làm chết 26 người, bị thương 33 người; đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra TNGT. Như vậy, sau 08 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cả nước đã xảy ra 248 vụ tai nạn giao thông, làm chết 161 người, bị thương 222 người.

So sánh với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 thì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 09 ngày (nhiều hơn kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 02 ngày), vì vậy, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 28 Tết đến mồng 4 Tết) cả nước đã xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông, làm chết 135 người, bị thương 189 người. So sánh với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mồng 5 Tết)giảm 46 vụ (giảm 17,7%), giảm 60 người chết (giảm 30,7%), giảm 31 người bị thương (giảm 14,01%). Bình quân số người chết trong 08 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người chết/ngày, giảm 8 người chết/ngày (giảm 28,5%) so với bình quân số người chết trong 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

161 người chết vì tai nạn giao thông sau 8 ngày nghỉ Tết

161 người chết vì tai nạn giao thông sau 8 ngày nghỉ Tết

Về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT của các địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã phát hiện, kiểm tra, xử lý lập biên bản 1.532trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 516 triệu đồng, tạm giữ 456 phương tiện và 204 giấy tờ các loại. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, phát hiện lập biên bản 35trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 29 triệu đồng.

Tình hình khám, cấp cứu tai nạn giao thông sau 06 ngày nghỉ Tết, tính từ 7 giờ sáng ngày 2/2 đến 7 giờ sáng ngày 8/2/2019, đã có 35.366 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 19,4% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết, trong đó, 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện (bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện). Tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 6.247 trường hợp, giảm -12,9% so với ngày cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018. Số lượt TNGT phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 2.344 trường hợp, giảm -4,1% so với ngày cùng kỳ Tết Mậu Tuất, chuyển tuyến trên điều trị 586 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện là 24 ca, giảm 8 ca (-25%) so với ngày cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018.

 

Ngoài ra, số lượt phản ánh qua các đường dây nóng gần 25lượt/ngày; nội dung phản ánh chủ yếu là hành vi vi phạm các quy định liên quan tới kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải: tình trạng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé, bán vé nhưng không giữ chỗ cho hành khách, khi hành khách phản ánh tình trạng chở quá tải nhà xe đã đuổi hành khách khỏi xe giữa đêm khuy. Các thông tin đã được chuyển đến lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, sáng 9/2, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an TP Hà Nội tổ chức ra quân bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) sau Tết nguyên đán Kỷ hợi với chủ đề 'Năm ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy'. Để bảo đảm ATGT cũng như hướng dẫn phân luồng cho nhân dân đi lại vui xuân, Phòng CSGT CATP Hà Nội triển khai 100% quân số, phối hợp công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành giao thông và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên 15 tuyến quốc lộ, 391 nút giao thông trọng điểm; tăng cường đẩy mạnh hệ thống xử phạt qua camera; tiến hành đợt 2 xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn; nâng cao hiệu quả 15 tổ 141 xử lý vi phạm tất cả thời gian trong ngày, thực hiện hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm và bảo đảm ATGT; xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm, có thái độ không đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân.

Trên hầu hết các tuyến giao thông, lưu lượng phương tiện tăng nhanh, tăng cao hơn so với những ngày trước do nhiều người lao động sau thời gian về quê nghỉ Tết Nguyên đán quay trở lại chỗ làm; nhiều người dân đi lễ, đi du Xuân, đi chúc Tết, chúc thọ ở xa; nhiều người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng gây mất TTATGT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tình hình phương tiện đậu đỗ không đúng nơi quy định như trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường... xảy ra ở nhiều thành phố lớn gây mất TTATGT.

Theo Trúc An/Đô thị mới