Theo đó, dự thảo quy định diện tích tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp có quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp sẽ từ 300m2 tại các phường, 500m2 tại thị trấn và 1.000m2 tại các xã.
Đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp, sẽ có 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 lập chung các địa phương, diện tích tối thiểu được tách là 1.000m2 tại các phường, 2.000m2 tại thị trấn và 3.000m2 đối với các xã.
Ưu điểm của phương án này là diện tích tách thửa lớn, cơ bản đảm bảo cho việc sử dụng, khai thác cho mục đích nông nghiệp, phù hợp với góp ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 788/SNN-NN ngày 22/4/2022.
Về hạn chế, phương án này không phù hợp với tình hình quản lý sử dụng đất tại các địa bàn như thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát. Các địa bàn này đề nghị giữ nguyên diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND.
Dự thảo quy định diện tích tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp có quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp sẽ từ 300m2 tại các phường, 500m2 tại thị trấn và 1.000m2 tại các xã.
Phương án 2, quy định theo từng đặc thù của các địa phương khác nhau. Trong đó, nhóm địa phương còn quỹ đất nông nghiệp nhiều và rộng thì diện tích tối thiểu được tách rộng hơn. Theo đó, tại các huyện gồm Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo là 2.000m2 ở thị trấn và các xã là 3.000m2.
Còn tại các thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên, Bến Cát sẽ có diện tích tối thiểu được tách là 300m2 tại phường, 1.000m2 tại xã.
Ưu điểm của phương án này là diện tích tách thửa phù hợp với tình hình quản lý sử dụng đất tại các địa bàn trong tỉnh, phù hợp với ý kiến góp ý của các địa phương.
Đối với đất ở, diện tích tối thiểu được tách là 60m2 tại các phường, 80m2 tại các thị trấn và 100m2 tại các xã.
Đối với đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở), việc tách thửa đất nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được căn cứ cụ thể vào dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, quy định mới được ban hành sẽ áp dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhu cầu tách, hợp thửa đất; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục về tách thửa, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất.
Quy định không áp dụng đối với các trường hợp: Chuyển quyền sử dụng đất trọn thửa; bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước; các trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất; đất hiến tặng cho Nhà nước, đất tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa.
Nguồn: https://baodansinh.vn/hai-phuong-an-cho-quy-dinh-tach-thua-dat-nong-nghiep-o-binh-duong-20220705111206.htm