Mới đây, Chính phủ đã công bố Dự thảo những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu của Dự thảo này nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… Đồng thời, dự thảo sẽ đưa ra các mục tiêu thích ứng với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề tới doanh nghiệp và người dân.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự thảo này, đó là việc tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
Theo đó, Chính phủ sẽ giao các Bộ, ngành rà soát các luật có liên quan đến đầu tư tạo tài sản, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,... và các điều khoản có liên quan trong các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung vào vấn đề cải cách về đăng ký tài sản và đổi mới quản lý hành chính đất đai.
Trong Dự thảo, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai làm nền tảng cho thực hiện giao dịch điện tử về đất đai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục Đăng ký sở hữu và chuyển nhượng tài sản.
Trong đó chú trọng nhiệm vụ, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lập kế hoạch số hóa và lưu trữ hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại các Văn phòng đăng ký đất đai; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm Triển khai mạnh mẽ việc kết nối liên thông điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nghiên cứu, ban hành hoặc kiến nghị ban hành Cơ chế cụ thể và độc lập để khiếu nại về vấn đề xảy ra tại cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan địa chính cũng như cơ quan đo đạc bản đồ.
Ngoài ra, trong dự thảo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành hoặc kiến nghị ban hành quy định cho phép người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận bản đồ thửa đất.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, kiến nghị các giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Nguồn: https://congluan.vn/sap-thi-diem-thanh-lap-trung-tam-giao-dich-quyen-su-dung-dat-nong-nghiep-post173933.html