Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) ngày 15/4 cho biết, tỉnh Lai Châu có 4 ổ dịch LMLM xảy ra tại 2 huyện: Huyện Phong Thổ có 2 ổ dịch tại xã Nậm Xe và xã Sin Súi Hồ (đã qua 17 ngày) và huyện Tam Đường có 2 ổ dịch tại xã Thèn Sin và xã Sùng Phái (đã qua 17 ngày). 

Tỉnh Lào Cai có 8 ổ dịch LMLM xảy ra tại 3 huyện Mường Khương, Sa Pa và Si Ma Cai (đã qua 8 ngày). 

Ảnh minh họa. 

Tỉnh Quảng Bình có 3 ổ dịch LMLM xảy ra tại 3 xã Tân Ninh, An Ninh và Hiền Ninh thuộc huyện Quảng Ninh (đã qua 16 ngày). 

Theo đó, đối với dịch bệnh LMLM các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để. 

Đặc biệt, các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. 

Ngoài dịch LMLM trên gia súc, hiện nay trên cả nước chỉ có duy nhất 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Quỳnh Lưu, huyện Quỳnh Hoa, tỉnh Nghệ An. 

Cục thú y cũng khuyến cáo các địa phương cần chú ý diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao. 

Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9. 

Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. 

Trước đó, ngày 07/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 2766/BNN-TY về việc phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2016”. 

Lãnh đạo, chuyên viên của Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng và các Trung tâm chuyên ngành đang tập trung kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định./. 

Theo Hà Anh/Gia đình Việt Nam