Năm 2016, Chính phủ quyết định lấy mốc này là Năm quốc gia khởi nghiệp, từ đây, một làn sóng khởi nghiệp đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa trên cả nước. Kênh truyền hình VTV3 cũng quyết định đã mua lại bản quyền Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) của Sony Pictures để truyền cảm hứng cho doanh nhân khởi nghiệp (Startup) thực hiện các bài thuyết trình gọi vốn trước hội đồng các nhà đầu tư (Shark) càng khiến cho khởi nghiệp bùng nổ.
Mặc dù là vậy thì khởi nghiệp cũng chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với những người mới non trẻ thiếu kinh nghiệm. Vậy đâu mới là những yếu tố giúp cho các Startup thành công? Để có câu trả lời rõ hơn về vấn đề này, PV đã có buổi phỏng vấn TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
PV: Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề khởi nghiệp từ năm 2016 đến nay?
Ông Tô Hoài Nam: Nếu nhìn vào cả quá trình phát triển của doanh nghiệp thì đây là việc rất mới, nhưng nó lại tạo ra một làn sóng mạnh mẽ và được bàn trên tất cả các phương tiện truyền thông. Rõ ràng phong trào khởi nghiệp đã hình thành và là nguồn cảm hứng được lan truyền rộng rãi cho các bạn trẻ. Trước đây, người ta không quan tâm nhiều tới vấn đề này, nhưng hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào làm ngay sau khi ra trường, thậm chí, khi còn đang là sinh viên, họ đã khởi nghiệp, thành lập công ty.
Nhưng các startup nên chú ý, thế giới hay Việt Nam, không phải bất cứ ai khởi nghiệp cũng thành công, tỉ lệ thất bại rất lớn.
PV: Vậy theo ông có những nguyên nhân nào khiến cho các doanh nghiệp chưa thành công?
Ông Tô Hoài Nam: Các doanh nghiệp chưa thành công do gặp phải một số cản trở như sau:
- Khi khởi nghiệp, các Startup có niềm cảm hứng tự tin nhưng việc chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh lại chưa tốt. Ví dụ, họ có 1 ý tưởng hay, khả thi nhưng lại chưa xác định được thị trường cho hàng hóa, sản phẩm bán ra nên khi ra đời không có chỗ để bán và bị lúng túng về việc này. Nhiều doanh nghiệp chưa tập chung vào những hoạt động cơ bản, không dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, mà chỉ tập trung vào thương mại, dịch vụ. Mà đã là thương mại, dịch vụ thì có rất nhiều đơn vị đang thực hiện, cạnh tranh rất khốc liệt. Các bạn trẻ nên chú ý, khởi nghiệp phải dựa vào nền tảng đổi mới, sáng tạo đó là dựa vào công nghệ mới, sản phẩm mới, có sự thay đổi.
- Ý tưởng tốt nhưng để nó vào được thị trường thì cần có một thời gian nhất định. Mà thời gian đó đòi hỏi phải có vốn, trong khi cơ chế hỗ trợ về vốn ở Việt Nam chưa hình thành dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính hợp lý để họ duy trì ý tưởng của mình. Sau một thời gian bị đuối về vốn, không tìm ra được nguồn hỗ trợ sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp sụp đổ.
- Doanh nghiệp có sản xuất thì lại rất lúng túng trong vấn đề chi phí cho tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp không tìm được mặt bằng sản xuất rẻ để đáp ứng cho một doanh nghiệp khởi nghiệp vốn đang hạn hẹp nên đã dẫn tới thất bại.
- Ngoài ra, nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đang là điều khiến nhiều CEO đau đầu. Họ có ý tưởng tốt, nhưng lại không tìm được nhân viên phù hợp nên ý tưởng đó mãi mãi là ý tưởng mà thôi.
Thiếu một trong bốn đặc điểm này sẽ khiến các đơn vị khởi nghiệp sẽ khó thành công. Hiện nay, tất cả những Startup thành công được đều dựa trên nền tảng có được một nguồn công nghệ tốt; tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, hợp lý; nguồn sản xuất tốt và nguồn nhân lực phù hợp; có được phương án tiếp thị kinh doanh sản phẩm đúng hướng.
Việt Nam cần xây dựng quỹ hỗ trợ cho các Startup
PV: Thiếu vốn đang là vấn đề khiến các Starup quan tâm nhất hiện nay, vậy theo ông có những cách nào để hỗ trợ họ một cách tối ưu nhất?
Ông Tô Hoài Nam: Chúng ta nên xây dựng các quỹ hỗ trợ vốn cho Startup. Đối với một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà tốt thì Nhà nước phải thực hiện vai trò hỗ trợ cho họ vì lợi ích thực chất là lợi ích cho quốc gia. Chính phủ có quỹ rồi nhưng chưa có khung pháp lý cụ thể, nên quỹ không được sử dụng một cách hiệu quả. Đây là vướng nhất của ta. Nhưng chúng ta cần chú ý, cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ cần 1 doanh nghiệp thành công là chúng ta đạt mục tiêu ban đầu rồi. Đây là kinh nghiệm của thế giới.
Một doanh nghiệp phát triển thì những đóng góp của họ cho xã hội như: Tạo công ăn việc làm, tiền thuế,… đã bù đắp được phần nào cho những doanh nghiệp bị thất bại. Ngân sách đầu tư chính là từ nguồn thuế của doanh nghiệp nên Chính phủ cần mạnh dạn trong vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp.
Qũy đầu tư đó chúng ta đừng cứng nhắc chỉ nghĩ do Nhà nước đầu tư mà có thể do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và thế giới quan tâm và họ chấp nhận nguyên tắc rủi ro của thị trường, họ đầu tư vào đó. Đây là những nhà kinh doanh lâu năm nên có thể đánh giá được sản phẩm hoặc kế hoạch khởi nghiệp nào mới khả thi.
PV: Theo ông, ngoài 4 yếu tố mà đã nhắc tới còn có những yếu tố nào khác khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại?
Ông Tô Hoài Nam: Có một ý tưởng tốt, nhưng cũng cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các đơn vị khoa học, các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học. Nhưng hiện nay, nhiều yếu tố cản trở và không nhận thức đúng. Ví dụ, các đơn vị quản lý khi phê duyệt một ý tưởng khởi nghiệp thường bắt họ phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu cứng nhắc, mà không có sự linh hoạt. Người mới khởi nghiệp chắc chắn còn nhiều thiếu sót nhưng đã là đổi mới sáng tạo chính là tạo ra sự khác biệt, như vậy, chúng ta đã không giúp đỡ họ mà còn triệt tiêu họ.
Mà đổi mới sáng tạo đôi khi chỉ cần 1-3% thay đổi là đã thay đổi cục diện, một clip quảng cáo, 1 hình ảnh cũng đã có sức ảnh hưởng to lớn. Nên thay vì ngồi nghiên cứu những đề tài khoa học rồi cho vào ngăn kéo, thì nên thay đổi . Ví dụ như iPad, iPhone,… bản thân họ cũng cần phải dựa vào các nhà khoa học thì mới đạt được những thành công như hôm nay.
Nhưng dù bị thiếu sót bởi bất kỳ yếu tố nào thì các doanh nghiệp cũng đừng bao giờ nản chí vì kinh doanh thì phải thất bại, có thất bại thì mới thành công.
Xin cảm ơn ông!