1. Kiểm tra điểm chết trên màn hình
Màn hình máy tính được tạo thành từ các điểm ảnh rất nhỏ, hiển thị 3 màu cơ bản: đỏ, xanh lá và xanh dương. Đôi khi, một trong số các điểm ảnh này có thể bị trục trặc, khiến chúng chỉ hiển thị một màu hoặc không hiển thị màu nào cả.
Để kiểm tra xem màn hình máy tính có bị lỗi điểm ảnh nào không, bạn có thể sử dụng các công cụ trực tuyến như Dead Pixels Test hoặc CheckPixels.
Bạn cũng có thể tải về phần mềm IsMyLcdOK để kiểm tra xem màn hình của mình có ổn không. Các công cụ test này sẽ hiển thị các trang với nhiều màu sắc khác nhau, giúp bạn dễ dàng phát hiện các điểm ảnh chết. Bạn nên để phần mềm chạy ở chế độ toàn màn hình bằng cách nhấn F11 để có thể kiểm tra được mọi điểm ảnh.
2. Kiểm tra bàn phím
Nhiều người không nghĩ rằng bàn phím là một thành phần quan trọng của máy tính nhưng thực chất đây được coi là thành phần vô cùng quan trọng vì bạn cần tới bàn phím ở hầu hết các nhiệm vụ.
Kiểm tra bàn phím là khâu đặc biệt quan trọng đối với những ai có dự định mua máy tính xách tay bởi nếu bàn phím có hỏng hóc gì thì họ sẽ phải mang cả laptop đi để sửa chữa.
Để kiểm tra các phím trên bàn phím còn hoạt động hay không, bạn có thể sử dụng công cụ trực tuyến Keyboard Tester hoặc tải về công cụ Keyboard Test.
3. Kiểm tra sức khỏe HDD/SSD
Một ổ đĩa HDD hoặc SSD được dùng để chứa cả hệ điều hành và toàn bộ các tập tin quý giá. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe của ổ HDD hoặc SSD là rất quan trọng.
Có một số công cụ có sẵn cho phép bạn kiểm tra sức khỏe của ổ HDD và SSD. Nếu kiểm tra ổ cứng, bạn có thể sử dụng HD Sentitel.
Toàn bộ các ổ đĩa được kết nối với máy tính sẽ được liệt kê ở bên trái. Tại đây, bạn cũng sẽ thấy được tình trạng sức khỏe của ổ cứng và các bước khắc phục nếu có.
Mỗi nhà sản xuất có thể đặt ra mức độ lỗi ổ cứng là bao nhiêu là cần phải thay thế và các nhà sản xuất cũng có thể khuyến cáo người dùng nên sử dụng các công cụ độc quyền của họ để kiểm tra. Hãy ghé thăm trang web của nhà sản xuất HDD về tìm hiểu về các chính sách và công cụ của họ.
Đối với ổ SSD, có một ứng dụng chuyên dụng có tên là SSDlife, cho phép hiển thị tình trạng sức khỏe của ổ SSD dưới dạng phần trăm và tuổi thọ dự kiến của ổ SSD. Tương tự như ổ cứng, bạn cũng nên kiểm tra trên trang web chính thức của nhà sản xuất SSD.
4. Kiểm tra CPU và GPU
CPU và GPU là những thành phần chính làm nhiệm vụ xử lý chính, cho phép bạn sử dụng phần mềm văn phòng của Microsof hoặc chơi Candy Crush.
Vì vậy, một chiếc máy tính chỉ có thể hoạt động tốt nếu hai thành phần này ở trong tình trạng hoàn hảo. Để kiểm tra CPU và GPU, lời khuyên là bạn nên dùng Furmark.
Để kiểm tra các máy tính đời thấp, không có GPU chuyên dụng, bạn hãy thiết lập màn hình về độ phân giải 1280 x 720 pixel; đối với các máy tính cao cấp hoặc trung bình có card đồ họa chuyên dụng, bạn thiết lập độ phân giải từ 1280×720 cho tới 1920×1080 (full HD). Nếu trong quá trình test mà màn hình bị rung hoặc méo mó thì rất có thể GPU đang gặp vấn đề.
Để test CPU, bạn mở CPU burner và chọn Start để chạy kiểm tra. Nếu máy tính bị tắt đột ngột, nhấp nháy hoặc bị treo thì có thể do lỗi phần cứng hoặc do bộ phận tản nhiệt hoạt động không hiệu quả.
Lưu ý: Không nên chạy thử nghiệm này trong thời gian dài vì máy có thể bị buộc tắt do quá nóng.
5. Kiểm tra RAM
RAM là một trong những thành phần quan trọng giúp cải thiện hiệu suất của máy tính. Lỗi RAM có thể dẫn đến lỗi "màn hình xanh chết chóc" hoặc lỗi khởi động. Công cụ kiểm tra RAM mà bạn nên thử là Memtest86+ (người dùng Linux có thể đã biết công cụ này).
Tuy nhiên, cách test RAM không hề đơn giản như test các thành phần kể trên. Bạn sẽ cần phải tạo một ổ đĩa boot (USB hoặc CD) bởi vì công cụ kiểm tra này chỉ có thể thực hiện khi máy khởi động và chỉ mất khoảng 30 phút là xong.
Với những ai không có nhiều kiến thức về công nghệ thì có thể bỏ qua bải test RAM nếu muốn bởi vì RAM là một trong những thành phần ít bị hỏng hóc.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra các cổng USB, cổng cắm tai nghe, microphone, HDMI, DVI và cổng mạng...
Nhân viên bán hàng hoặc người sở hữu máy tính có thể không muốn cho bạn cài đặt các ứng dụng mới trên máy trước khi mua và bạn nên cố gắng bình tĩnh để giải thích cho họ rằng "cẩn thận không bao giờ là thừa".
Nếu máy móc có hỏng hóc thì việc phải mang máy đến các trung tâm bảo hành, trung tâm sửa chữa máy tính còn mất thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc test phần cứng.