Bộ Công Thương cho biết, sau 2 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại. Đặc biệt, QLTT đã có những bứt phá nghiệp vụ khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được, thậm chí còn đặt chân đến những địa điểm trước đó chưa một lần đến kiểm tra.
Trong những tháng đầu năm nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, việc tổ chức tấn công, triệt phá các đường dây, ổ nhóm lớn, nổi cộm của Tổng cục đã được ghi nhận, đánh giá cao như vị việc xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP Lào Cai); kiểm tra, xử lý 2 trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái (Quảng Ninh) và trung tâm thương mại Sài Gòn Square; những vụ việc hàng giả, hàng kém chất lượng tại chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)... cũng được QLTT xử lý.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chia sẻ, để xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, ngay từ năm 2019, Tổng cục đã đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử để làm việc với 64 điểm cầu (Tổng cục và 63 Cục địa phương).
Trong giai đoạn 2020-2021, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng… Hoạt động này góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao… ông Linh nhấn mạnh.