Ngày đó nhà anh nghèo. Cái nghèo đặc trưng của quê anh để đi đâu người ta cũng nhắc đến. Anh nhớ, năm học cuối cấp 3, bố và anh trai phải đi làm xa tận miền Nam để lấy tiền nuôi gia đình và nuôi anh ăn học.

Ở cái tuổi vừa mới lớn, chưa biết lo chưa biết nghĩ, anh chưa thể là trụ cột gia đình cho mẹ và em gái khi bố và anh đi làm xa. Tuổi 18 anh cũng chỉ biết háo hức được một lần bước ra khỏi lũy tre làng để đi đây đi đó và không thể có dịp nào tốt bằng dịp đi thi đại học.

Năm cuối phổ thông anh miệt mài học tập và mơ về một nơi xa xôi nào đó nhưng niềm vui đó đã sớm bị dập tắt khi nhận được thư của bố: “Chắc con phải dừng thi đại học. Bố mẹ đều đã già, bố cũng chỉ đi làm thuê được vài năm nữa. Bố sợ con thi đỗ sẽ không ai nuôi học …”. Đọc những lời trong lá thư bố vừa gửi về mà lòng anh se sắt.Một tháng trời nghỉ ôn thi, anh chỉ mong thời gian trôi nhanh.

Nhìn bố mẹ đang già yếu từng ngày, anh không dám nghĩ đến một ngày Tết xa xôi. Nhưng anh hiểu dù Tết có đủ mọi thứ trên đời nhưng sẽ chẳng còn hương vị nếu không còn đấng sinh thành bên cạnh. (Ảnh minh họa)

Nhìn bố mẹ đang già yếu từng ngày, anh không dám nghĩ đến một ngày Tết xa xôi. Nhưng anh hiểu dù Tết có đủ mọi thứ trên đời nhưng sẽ chẳng còn hương vị nếu không còn đấng sinh thành bên cạnh. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, một chiều anh nhận được cuộc điện thoại vội vàng từ anh trai gọi về bưu điện xã: “Anh sẽ nuôi em học. Cố thi cho đậu”. Anh trai lúc nào cũng vậy, ngắn gọn như ra lệnh.

Thế rồi sau vài ngày ôn vội, anh cũng lên đường dự thi như chúng bạn.Tuổi 18 lần đầu anh xa quê trong cái nắng tháng 5 vàng như đỏ lửa, anh ngậm ngùi gạt nước mắt để nỗ lực.

Ấy vậy mà năm đó anh đỗ thật. Chuỗi ngày khó khăn cũng từ đó mở ra với gia đình. Hơn 3 năm trời, để tiết kiệm tiền chi phí cả ba cha con anh không ai dám về quê ngày Tết.

Năm thứ 4 đại học, lần đầu tiên anh được ăn Tết cùng gia đình sau nhiều năm quên vị Tết quê. Đó là năm gia đình anh được đoàn tụ trong cái Tết đầy đủ sau 4 năm. Nhìn bố mẹ, anh chị ai cũng như vui hơn hẳn bởi sự sum vầy của đông đủ con cháu, nhưng mái tóc của bố mẹ thì bạc đi nhiều.

4 năm học trôi qua, năm đầu tiên nhận việc nơi thành phố, anh gọi điện vội về nhà báo với mẹ lại một mùa xuân nữa không về trong tiếng thở dài của mẹ. Vì anh định rằng xuân này sẽ ở lại để du xuân cùng người yêu mới.

Ngày 30 Tết, cả nhà sửa soạn bữa cơm chiều cuối năm. Ở thành phố anh cũng định đón người yêu đi chơi chuẩn bị cho đêm Giao thừa. Háo hức bước ra cửa, anh như khựng lại khi bắt gặp bức ảnh anh chụp cùng mẹ và em gái ngày anh đi thi đại học. Kỷ niệm của những ngày hàn vi cũ ùa về khiến tim anh đau nhói. Anh nhớ đến niềm vui của mẹ mỗi lần anh về nhà, rồi những giọt nước mắt trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn và mái tóc hoa râm của đấng sinh thành mỗi lần chia xa. Bất chợt, anh chỉ kịp nhét vội mấy bộ quần áo vào túi anh chạy như bay ra bến xe mong kịp chuyến cuối về quê ăn Tết.

Chiều cuối năm, bến xe nhộn nhịp, những chuyến xe cuối cùng đã sắp rời bến để đưa những đứa con xa quê kịp về nhà đón Giao thừa. Nhìn khuôn mặt ai cũng háo hức vui mừng lòng anh thấy xốn xang. Chỉ đến khi yên vị trên xe, bắt đầu lăn bánh anh mới thông báo cho người yêu. Anh tin bạn gái anh sẽ hiểu.

Mất trọn một đêm trên xe trong hồi hộp, mong ngóng, cuối cùng anh cũng có mặt ở nhà vào thời khắc bình minh của ngày đầu năm trong sự ngỡ ngàng và mừng vui của cả gia đình.

Ôm chầm lấy mẹ trong nước mắt lúc này anh mới đủ gần để cảm nhận mẹ trong cảm giác gầy gò, yếu ớt. Mái tóc ngày nào sau 2 năm chỉ còn lấm tấm ít sợi đen. Bàn tay khỏe mạnh đó nay cũng trở nên gân guốc, nhỏ thó trong bàn tay anh. Vậy mà trong từng đó thời gian vì mưu sinh anh đã quên mất việc về thăm nhà, thăm bố mẹ.

Năm đó cả nhà anh đón cái Tết sum vầy và vui vẻ. Anh lại cùng mẹ đi chúc Tết bà con, lối xóm sống lại những cảm giác Tết xưa, hương vị mà bao năm nay đã có lúc tưởng chừng anh quên lãng.

Một mùa Tết nữa lại đến. Tết năm nay anh đã có kế hoạch về quê từ sớm để nàng dâu mới cùng mẹ chuẩn bị Tết.

Thêm một năm bố mẹ anh đã thêm một tuổi và sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nhưng anh tin năm nay bố mẹ anh sẽ có cái Tết đầm ấm và hạnh phúc.

Tết là vậy, tuổi 35 anh hiểu rằng, chỉ những món mẹ nấu, bên mâm cơm nghe bố kể chuyện gia đình ngày Tết mới thực sự là hạnh phúc. Nhìn bố mẹ đang già yếu từng ngày, anh không dám nghĩ đến một ngày Tết xa xôi. Nhưng anh hiểu dù Tết có đủ mọi thứ trên đời nhưng sẽ chẳng còn hương vị nếu không còn đấng sinh thành bên cạnh.

Rồi Tết xong anh lại đi để lo cho cuộc sống mưu sinh nhưng anh tự hứa với lòng mình dù bận rộn ngày Tết anh sẽ trở về bên mâm cơm gia đình cùng bố mẹ.

Theo Gia đình Việt Nam