Theo nội dung của Thông tư này, trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101-200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại côngtơ.
Ngoài ra, chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.
Người thuê nhà trọ liệu có cơ hội không phải dùng điện giá cao.
Cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, yêu cầu các đơn vị có liên quan phản ánh về Cục Điều tiết điện lực để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Công Thương để giải quyết.
Điều đáng nói, mặc dù đại diện EVN khẳng định mọi công tác tuyên truyền đều được triển khai song thực tế nhiều người dân vẫn chưa nắm được những quy định mới của Thông tư 25/2018 /TT - BCT.
Đại diện EVN cho biết: “Với thông tư 25/2018/TT-BCT, ưu tiên áp giá bán lẻ điện theo bậc thang thứ 3 cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại côngtơ đối với trường hợp sinh viên, người lao động thuê nhà dưới 12 tháng, trường hợp chủ nhà cho thuê kê khai được đầy đủ số người áp dụng định mức sử dụng điện. Do vậy việc triển khai TT 25/2018/TT-BCT, đã đơn giản trong việc áp dụng, chủ nhà trọ và người thuê trọ dễ dàng tính toán tiền điện, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị điện lực dễ dàng trong kiểm tra giám sát”.
Dù Thông tư mới có lợi cho người thuê nhà nhưng nhiều người vẫn chưa nắm được những quy định mới. Anh Nguyễn Thanh Hoàng, thuê trọ tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 4 người và chi phí tiền thuê nhà, điện nước ngốn hết lương của vợ. Mỗi tháng, tiền thuê trọ hết 3 triệu đồng, 320 nghìn tiền nước (mỗi người 80.000 đồng), tiền điện hết khoảng 800.000 đồng. Khi được hỏi Thông tư mới quy định về giá tiền điện có lợi cho người thuê nhà, anh Hoàng bảo chưa biết. Hiện chủ nhà vẫn giữ giá tiền điện như trước đây là 4.000 đồng/số điện và chưa có thông báo sẽ giảm giá tiền điện.
Anh Nguyễn Việt Hùng, chủ nhà trọ ở Hà Nội cho biết chưa biết quy định mới: “Tôi có nghe về việc sẽ phạt chủ nhà trọ nào thu tiền điện quá 2.500 đồng/kWh. Nhưng cho tới nay tôi chưa nhận được thông báo chính thức, hay nhận được tờ rơi tuyên truyền về việc chủ nhà trọ phải điều chỉnh giá điện. Hiện gia đình tôi thu 3.000 đồng/số điện. Với mức thu này là vừa đủ, bằng đúng số tiền điện thực trả cho Cty điện lực hằng tháng. Bởi ngoài hao hụt đường dây thì gia đình luôn phải trả tiền điện ở bậc thang cao nhất là 2.500 đồng/số điện cho Cty điện lực”, anh Hùng cho hay.
Được biết về nội dung Thông tư 25/2018 nhưng chị Nguyễn Thị Dung, hiện đang thuê trọ tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội vẫn không vui. Theo chị Dung: “Chủ trọ nghĩ, nếu tính tiền điện theo Thông tư 25/2018 thì họ sẽ bị thiệt so với cách tính tiền điện từ trước đến nay khiến họ giảm đi một nguồn thu đáng kể từ tiền điện. Bởi từ trước đến nay, các chủ nhà trọ vẫn lãi hẳn một khoản không nhỏ từ chênh lệch tiền điện. Nên khi tiến giá điện theo Thông tư mới để không giảm nguồn thu họ lại tăng giá tiền thuê phòng lên. Chung quy lại, chi phí mỗi tháng chúng tôi phải chi trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước vẫn không thay đổi”.