Theo thống kê, tổng chi phí của EVN bị “đội” lên trong năm 2018 và 2019 là khoảng 20.735 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng.
Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... khiến tổng chi phí đội lên sẽ là 15.252 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành này còn phải “gánh” khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê, việc trì hoãn điều chỉnh giá điện theo các quy định đã có trong vài năm qua tiếp tục khiến chi phí tăng thêm của sản xuất điện bị dồn toa và có thể lên tới 20.000 tỷ đồng trong năm 2018-2019.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc kiểm tra, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào thì sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.