Theo báo cáo tài chính, năm 2016, công ty mẹ Vinasun (không bao gồm Vinasun Green – công ty con kinh doanh taxi tại Đà Nẵng) phát sinh số thuế VAT phải nộp là 243 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và thanh lý xe.
Trong năm 2015, tỷ lệ này của Vinasun ở mức 5,6%; còn tại Mai Linh Miền Trung – một công ty con của Mai Linh Group – tỷ lệ này là 6,3%.
Doanh thu năm 2016 của Vinasun đạt 1.078 tỷ đồng và lũy kế cả năm là 4.519 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, doanh thu từ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi chiếm 96%, đạt 4.352 tỷ đồng.
Doanh thu tăng nhưng giá vốn hàng bán cũng tăng theo nên lợi nhuận gộp chỉ còn tương đương năm trước. Trừ đi chi phí, Vinasun đạt lợi nhuận sau thuế 312 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với 329 tỷ đồng của năm 2015.
Như vậy, so với kế hoạch doanh thu khiêm tốn trong năm 2016 là 4.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 264 tỷ đồng thì Vinasun vẫn hoàn thành mục tiêu, song lợi nhuận của hãng đã bắt đầu suy giảm sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp.
Tính thêm 80 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng số thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm là 323 tỷ đồng, tương đương 7,3% doanh thu.
Tỷ lệ này cao hơn hẳn mức thuế suất thực tế 4,6% - đã bao gồm cả phần nộp hộ tài xế - đang áp dụng cho Uber. Vì thế, việc Vinasun hay các doanh nghiệp taxi truyền thống khác cảm thấy “thiệt thòi” so với Uber cũng không phải không có cơ sở.
Trước đó, giữa năm 2015, trước sức ép ngày càng lớn của dịch vụ Uber tại thị trường miền Nam, hãng taxi Vinasun cho biết, sẽ tung ra ứng dụng phần mềm gọi xe dành cho cả điện thoại thông minh lẫn thông thường.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc thường trực của Vinasun cho hay, để cung cấp tới người dùng cả cao cấp lẫn phổ thông những tiện ích mới, giá cước rẻ, Vinasun cho ra đời ứng dụng gọi xe taxi - Vinasun App chạy được trên tất cả các hệ điều hành.