Vùng vải thiều an toàn, không Covid-19

Được biết, diện tích vải thiều toàn huyện là hơn 15.400ha, ước sản lượng khoảng 120.000 tấn. Dự kiến thu hoạch vải sớm từ 20/5, thu hoạch vải muộn từ 10/6 đến 20/7.

Việc tìm đầu ra cho vải đang gặp một số khó khăn do sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đón thương nhân Trung Quốc sang thu mua gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình mới, UBND huyện Lục Ngạn đã tập trung cao việc kết nối thương nhân 2 nước (Việt Nam - Trung Quốc) để xuất bán vải theo hình thức giao hàng tại cửa khẩu; đưa toàn bộ vải xấu vào sấy khô; các trạm gác, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hoạt động thực sự hiệu quả, trách nhiệm, như vậy vùng vải thiều Lục Ngạn sẽ luôn an toàn trước đại dịch.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tuyên truyền về điều kiện xuất khẩu quả vải tươi vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…; 36 mã số vùng trồng của huyện được Trung Quốc chấp nhận; 27 mã số vùng trồng với diện tích 194,5ha được Nhật Bản chấp nhận.

Vải

Sản phẩm vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì trên bao bì nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn hoặc mã số đăng ký... Từ đó các tổ hợp tác, hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp thấy được việc sản xuất vải thiều theo hướng hàng hóa đảm bảo chất lượng cao là yêu cầu tất yếu của thị trường.

Trao đổi với PV về việc xây dựng vùng vải an toàn, không Covid-19, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Hiện nay, huyện tập trung rà soát, phân loại, khoanh vùng khu vực, địa điểm nào có khả năng dịch cao thì để bán sau, khu vực nào an toàn thì sẽ tập trung tiêu thụ trước. Tại các điểm cân, người lao động đến người thu mua vải thiều phải đảm bảo các tiêu chí an toàn kiểm dịch, cung cấp máy đo thân nhiệt, sát khuẩn, phun thuốc khử khuẩn, đeo khẩu trang theo quy định của Bộ Y tế. Khi tất cả điều kiện đã đảm bảo rồi, huyện sẽ cấp cho cơ sở thu mua ấy giấy phép để tiêu thụ ra thị trường và huyện sẽ ký giấy xác nhận đã được kiểm dịch và dán tem lên xe vận chuyển vải”.

Vận dụng linh hoạt các hình thức để tiêu thụ vải thiều nhanh nhất

Ngoài việc tiêu thụ vải thiều bằng hình thức bán cho thương lái, từ Hội chợ hoa quả năm 2020, huyện đã xúc tiến tiêu thụ nông sản trên sàn giao dịch điện tử. Đến nay vải thiều sẽ được giao bán nhiều trên sàn thương mại điện tử và bày bán ở tại các siêu thị nhiều hơn. Ngoài ra, thương hiệu vải Lục Ngạn sẽ được quảng cáo trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook, youtube. Qua đó sẽ tiêu thụ qua các kênh bán hàng trực tuyến.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu tháng 3/2021, Sở Công Thương đã chủ động kết nối, làm việc với các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị như Mega Market, Aeon, Lotte, Central Retail, Co.op Mart, chợ đầu mối ở Hà Nội, TP.HCM... Đến nay, các đơn vị này đều cam kết đồng hành tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

Với thị trường xuất khẩu, địa phương này đã làm việc trực tuyến để trao đổi, thông tin với các cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là cơ quan tham tán tại Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Úc, Singapore... về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, chuẩn bị cho công tác tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021.

Các cơ quan tham tán thương mại cũng đã phản hồi nhất trí hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại nước sở tại, tham dự và quan tâm hỗ trợ tổ chức các điểm cầu tham gia hội nghị trực tuyến.

Dự kiến hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang sẽ được tổ chức ngày 8/6. Ngoài điểm cầu tại Trung Quốc, năm nay Bắc Giang mở thêm điểm cầu tại Nhật Bản, Úc và Singapore...

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bắc Giang cũng trao đổi, cung cấp thông tin để tổng lãnh sự quán tại Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng trực tuyến yunnan.cn và nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com và các trang thương mại điện tử khác.

Đặc biệt, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang vừa thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu...

Vải

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, ngoài việc tập trung chống dịch thì tỉnh tập trung tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, đặc biệt là vải thiều.

“Hiện nay, Bắc Giang đã thu hoạch vải sớm. Các quy trình đưa vải đi tiêu thụ đều làm rất chặt chẽ. Từng lô hàng đều có QR code thể hiện thông tin về vùng vải, người thu hoạch, bảo quản, vận chuyển… Tuy nhiên, khi bước vào chính vụ, mỗi ngày sẽ phải có 600 - 700 container mới giải tỏa hết lượng vải thu hoạch trong ngày. Vì vậy, Bắc Giang mong muốn các địa phương tạo điều kiện để việc thông thương hàng hóa không bị ách tắc”, ông Dương cho biết.

Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 26/5, toàn tỉnh thu hoạch và tiêu thụ hơn 3.000 tấn vải sớm, giá bán dao động 16.000 - 27.000 đồng/kg. Trong đó, hơn một nửa số lượng vải đã thu hoạch được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhất là các tỉnh phía Nam.

Theo Hoàng Dương, Thủy Tiên/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/bac-giang-xay-dung-kich-ban-tieu-thu-vai-thieu-mua-covid-19-post135654.html