Khi giao chìa khóa xe…
Lê Thu Minh, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội kể, vào năm lớp 12, em đã được mẹ mua cho một chiếc xe tay ga. Đó là vào lúc em học hành căng thẳng, “chạy sô” giữa các lớp học thêm khi thì ở quận Đống Đa, lúc lại ở quận Cầu Giấy. Trong khi đó bố mẹ bận rộn không thể đưa đón kịp nên em đành phải tự đi xe máy.
Thu Minh cho biết ban đầu mới có xe em còn chưa đi thạo. Thế mà cứ cắm đầu từ quận Long Biên đi khắp Hà Nội mãi rồi cũng thành quen.
Nghĩ lại Minh vẫn thấy… sợ. “Đường thì đông, tay lái yếu, đầu óc và sức lực đang tập trung cho thi cử, may không xảy ra tai nạn. Nếu được chọn lại thì em sẽ không tự đi xe máy từ lúc chưa có bằng lái và chưa đủ tuổi như thế nữa”, Thu Minh tâm sự.
Khánh Bách, sinh viên năm thứ ba tại Hà Nội cũng bày tỏ sự hối hận vì tuổi trẻ bồng bột của mình. Được bố mẹ cho sử dụng chiếc xe máy có phân khối 150cc từ năm học lớp 11, Bách tự hào với bạn bè lắm. Trước đó cậu đã đi xe đạp điện và vài lần đi xe máy loanh quanh trong ngõ xóm. Lúc phóng chiếc xe máy mới cứng đến trường trước con mắt ngưỡng mộ của bạn bè, Bách cảm thấy như lâng lâng trên mây.
Từ khi có xe, Bách thường phóng nhanh, nẹt pô, đánh võng, chở 4, 5 bạn cùng một lúc để chứng tỏ sự sành điệu, hào phóng của mình với các bạn cùng trường. “Bọn em, nhất là con trai thường cảm thấy bị kích động khi có bạn nào đó hơn mình. Kém miếng khó chịu, lên lớp 12 thấy nhiều bạn có xe mới hơn, sĩ diện, em lại đòi mẹ mua cho chiếc xe khác. Lúc đó được đi xe đến trường, không đội mũ bảo hiểm bị cảnh sát giao thông chặn lại mà chạy thoát em cảm thấy như có “thành tích đặc biệt”, khoe suốt với bạn bè. Giờ nghĩ lại em thấy mình thật dại dột”.
Rất nhiều học sinh như Bách, cứ trèo lên xe là phóng bạt mạng. Việc có xe mới, được đi xe còn là sĩ diện để khoe mẽ hay theo phong trào, cho bằng bạn bằng bè. Diệu Linh, cô nữ sinh một trường THPT tại quận Thanh Xuân còn cảm thấy mình “nhà quê” khi bố mẹ “cổ hủ” cứ bắt cô đạp xe đi học. “Cả lớp đi xe máy với xe đạp điện, mình con đi xe đạp thành “lạc quẻ”, khác người, con cảm thấy như mình đang “chơi trội” ấy”, Diệu Linh than thở.
Có rất nhiều học sinh coi việc bố mẹ, bác xe ôm, cô hàng xóm đón đưa mình tại cổng trường là việc đương nhiên trong khi đó có một số bạn đòi tự đi đến trường để được tự do đi xe máy, xe đạp điện, được chở bạn bè đi cùng. Bởi có người đưa đón sẽ phải theo lịch trình, giờ giấc của người lớn quy định, tan học là về thẳng nhà chứ không được lang thang theo ý thích.
Mai Hương, học sinh lớp 9 một trường THCS tại quận Đống Đa thì lại vô cùng ngại việc “tự lo” như thế. Vốn sức khỏe không tốt, ngại tiếng ồn, tay lái yếu nên Mai Hương không thích đi xe đạp điện. Nếu bố mẹ hoặc cô hàng xóm bận không đưa được thì em cố gắng đi xe đạp và đi thật thận trọng. “Bất đắc dĩ em mới phải tự đi xe đến trường. Em thấy được bố mẹ chở vẫn là an toàn nhất”, Mai Hương tâm sự.
… mà quên hướng dẫn sử dụng
Rõ ràng, việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy có dung tích xi - lanh trên 50cc không còn là hiếm ở Hà Nội.
Trong khi đó, pháp luật đã có quy định về các độ tuổi sử dụng phương tiện giao thông cụ thể. Khoản 1, Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định đối với xe máy, người được phép sử dụng phải đủ 16 tuổi trở lên. Dung tích xe gắn máy tương ứng cũng phải dưới 50 phân khối. Điều đó có nghĩa từ 16 tuổi là có thể điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50cc.
Với xe đạp điện thì theo luật phải là xe sử dụng bằng động cơ điện 1 chiều có kết hợp với bàn đạp chân. Động cơ lớn nhất không được lớn hơn 250W, vận tốc lớn nhất không được quá 25km/h. Trong lượng cả xe bao gồm pin hoặc ắc quy không được lớn hơn 40kg.
Trong Luật Giao thông đường bộ tại điểm 19, Điều 3 quy định xe đạp điện được phân vào nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Về hình phạt cũng như vi phạm khi điều khiển các loại xe thô sơ thì luật chưa có quy định cho người dưới 16 tuổi. Do đó học sinh dưới 16 tuổi có thể điều khiển xe đạp điện mà không bị xử phạt nếu có vi phạm, tuy nhiên vẫn có thể bị phạt cảnh cáo.
Tại khoản 1, Điều 21, Nghị định định 46/2016/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe cơ giới như sau: Phạt cảnh cáo người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Vì vậy, học sinh hay bất cứ ai cũng nên chú ý luật lệ giao thông, đặc biệt luôn phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường.
Trong khi đó, hầu hết các em cứ được giao xe là đi, ít khi đọc qua, tìm hiểu chứ đừng nói là nghiên cứu kĩ về luật lệ quy định cho chiếc xe của mình khi lưu thông trên đường. Ngay cả với chiếc xe đạp điện, xe máy điện, xe máy, người lớn chỉ nói qua với các em về cách mở khóa, vị trí công tắc bật đèn xi nhan, các số (nếu là xe số). Phần còn lại, đi như thế nào, thành thạo ra sao thường là do các em… tự tích lũy kinh nghiệm.
Như vậy có nghĩa là họ đã giao chìa khóa xe cho con em mình nhưng không giao hướng dẫn sử dụng. Bất cứ động cơ, đồ điện tử hay vật dụng gì muốn sử dụng thành thạo và làm chủ được nó thì đều phải có hiểu biết về cách sử dụng.
Bên cạnh đó, sử dụng phương tiện giao thông còn phải gắn với hiểu biết về luật giao thông và một kỹ năng mềm không thể thiếu đấy chính là ý thức để hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.
Đối với việc học sinh đi xe máy dung tích trên 50cc hay xe máy điện khi chưa đủ tuổi là không chấp hành luật giao thông, như vậy đã không có ý thức tự giác. Những em học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, trốn tránh trách nhiệm khi bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra lại càng thiếu ý thức.
Văn hóa bắt đầu từ ý thức vì thế khi đã thiếu ý thức thì khó có thể xây dựng được văn hóa giao thông cho những em học sinh này. Không những thế, họ còn làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác.
Hoàng Duy, học sinh lớp 10 tại quận Long Biên cho biết ban đầu không định đi xe máy tay ga đến lớp nhưng thấy có nhiều bạn cùng trường đi thì cậu cũng không còn ngần ngại nữa.
Bảo Dung, học sinh lớp 9 tại quận Hoàn Kiếm và nhiều nữ sinh khác đều bày tỏ rất ghét những cậu bạn trai cứ ngồi lên xe là vít ga, không cần biết trời đất là gì.
“Đứng nhìn đã chết khiếp rồi, em chẳng dám ngồi sau xe họ chở”, Bảo Dung thẳng thắn nói. Cô bé cũng không có thiện cảm với những bạn thích khoe mẽ qua chiếc xe mình sử dụng hay quần áo, đầu tóc bên ngoài. Dung đánh giá đó là người không sâu sắc và lối ứng xử đó không thuyết phục.
(Còn nữa)