Những anh hùng áo trắng
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội đến nay, đội ngũ y, bác sỹ, điều dưỡng, lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” bởi nhiệm vụ đặc biệt gánh vác “trên vai” là vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19, đón người tiếp xúc gần với bệnh nhân đưa đến bệnh viện và khu cách ly tập trung của thành phố
Phó Giám đốc Trung tâm Trần Anh Thắng cho biết, trong giai đoạn 2 -3 của dịch bệnh, đa số các cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm đều liên quan đến người nghi nhiễm. Sau khi sàng lọc, phân loại các trường hợp, tổng đài viên sẽ lập danh sách những trường hợp F1, báo cáo lãnh đạo trung tâm để thực hiện nhiệm vụ thu dung ngay lập tức. Đối với những trường hợp khác sẽ báo về địa phương để nắm tình hình và lưu hồ sơ.
Trong những ngày ấy, mỗi ca trực có trên 50 người, 15 kíp trực với 15 xe cấp cứu của Trung tâm tác chiến tại 5 khu vực quận, huyện: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Long Biên, luôn sẵn sàng chờ lệnh để lên đường. Công việc tăng gấp 2-3 lần, có những ngày, một kíp trực phải đón các trường hợp F1 đưa đến khu cách ly tập trung và cấp cứu ngoại viện tới 12-13 chuyến, không kịp ngả lưng.
Vất vả là thế, song ai cũng duy trì tinh thần "muốn thắng giặc thì phải chiến đấu”, không một phút lơ là, chậm trễ. Mỗi khi tạm thời kết thúc công việc, giây phút hiếm hoi ngồi lại cùng nhau, họ thường chỉ nói về những chuyện vui, không ai nói về sự mệt mỏi hay lo lắng.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, lực lượng y bác sĩ là mũi nhọn, các bệnh viện là chiến trường chống dịch, phần nào quyết định được việc ta có chiến thắng giặc Covid-19 hay không. Đội ngũ y bác sĩ các Trung tâm y tế, các bệnh viện đã được luân chuyển để hỗ trợ tối đa cho công tác phòng chống dịch của thành phố. Có những cán bộ Trung tâm y tế huyện được tăng cường hỗ trợ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong những ngày cao điểm đón khách từ nước ngoài về Việt Nam mỗi ngày phải di chuyển đi về gần hai trăm cây số song vẫn luôn lạc quan. Họ nhẹ nhàng trao đổi, hỏi han, giúp những hành khách ở sân bay bớt đi mệt mỏi, căng thẳng.
Bác sĩ Đặng Đình Huân, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phụ trách tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ: "Vào ca trực, anh em chúng tôi hiếm khi nói chuyện với nhau, cũng không có thời gian nghỉ ngơi và chỉ tranh thủ trao đổi công việc khi thật cần thiết. Có lúc đến bữa, bụng đói nhưng anh em không nỡ dừng tay vì không muốn để hành khách phải chờ đợi lâu, để họ sớm về địa điểm cách ly sau một chặng bay đầy mệt mỏi”.
Vì nhân dân quên mình
Cùng với đội ngũ y, bác sĩ, gần 3 tháng qua, những cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn vững vàng trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần “Vì Nhân dân quên mình” để bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng.
Đại tá Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Hậu cần (Bộ Tư lệnh Thủ đô) cho biết, dù đây là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ nhưng cán bộ, chiến sĩ đều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhất. Đối với nhiệm vụ đưa đón người từ sân bay Nội Bài đến các khu cách ly tập trung, lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chia làm nhiều bộ phận để tiếp nhận, bốc dỡ hành lý, dẫn đường, lái xe.
“Do đặc thù giờ hạ cánh của các chuyến bay quốc tế nên 29 đồng chí trong tổ lái xe thường xuyên phải làm nhiệm vụ trong đêm. Vào ngày cao điểm, lái xe và bộ phận phục vụ phải vận chuyển gần 1.700 người và lượng lớn hành lý” - Đại tá Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.
Tại Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô), do số công dân từ nước ngoài về nước thường vào ban đêm nhiều nên những ngày đầu bộ phận phục vụ phải thức trắng đêm để làm việc. Trong khi đó, bộ phận hậu cần thường phải làm việc từ 2-3 giờ sáng đến 18 giờ tối để bảo đảm nhiệm vụ nấu ăn phục vụ người cách ly đủ 3 bữa/ngày.
Khi phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an các phường, xã của Hà Nội đã vào cuộc tích cực. Suốt đêm 28/3, cùng với lực lượng của thành phố, các cán bộ chiến sĩ công an phường Phương Mai đã trắng đêm làm nhiệm vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn đưa hơn 500 người từ Bệnh viện Bạch Mai đến khu cách ly tập trung.
Giữa mùa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của những y, bác sĩ đang ngày đêm túc trực, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh. Hay hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an với những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội’, lúc ngủ vùi sau những ngày tuần tra, làm nhiệm vụ. Trong tâm niệm họ hiểu rằng, ở thời khắc này, nhiệm vụ đang gánh vác là trọng trách thiêng liêng bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ sẵn sàng vì nhân dân quên mình, vì sự bình yên cho người dân Thủ đô.
Nối vòng tay lớn
Với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc chống dịch cùng đất nước; góp phần chia sẻ bớt những vất vả của các thầy thuốc, nhân viên y tế, nhiều bạn trẻ đã tự nguyện đi vào “tâm dịch” .
Thời điểm Hà Nội mở trạm test nhanh Covid-19, Nguyễn Hải Anh đã đăng ký tham gia và được giao làm Trưởng nhóm tình nguyện viên tại khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế quận Đống Đa gồm 10 thành viên. Các tình nguyện viên rất nhiệt tình hỗ trợ quận Đống Đa làm xét nghiệm. Thời gian ấy sự hỗ trợ của các tình nguyện viên rất quý giá khi lượng người tới xét nghiệm lên tới con số hàng nghìn.
Trong nhóm, mỗi người mỗi việc, với những bạn nam, ngoài công việc tham gia hướng dẫn phân luồng cho người dân vào lấy mẫu hay giúp điền tờ khai y tế, phun khử khuẩn khu vực xung quanh… thì ban đêm có thêm công việc là tham gia buổi trực cùng cán bộ y tế.
Chia sẻ về lý do có mặt tại đây, Hải Anh bộc bạch: “Tôi xem fanpage tình nguyện viên ở các miền kêu gọi tuyển tình nguyện viên vì lãnh đạo trung tâm y tế các quận huyện, nhân viên y tế làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực cao nên đã đăng ký tham gia.
“Trong mấy ngày đầu triển khai trạm test nhanh, trạm đã tiếp gần 3.000 người dân. Tôi chủ trương dặn các anh em ở bộ phận đón tiếp ưu tiên các cụ cao tuổi, người đi lại khó khăn và bệnh nặng, hỗ trợ tối đa; không cần xếp hàng theo số thứ tự mà ưu tiên cho vào xét nghiệm trước” – Hải Anh chia sẻ.
Sau khi nhận được thông báo tuyển tình nguyện viên phiên dịch tại các khu cách ly tập trung của thành phố, Ðào Thị Phương Anh, 31 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội đã nhanh chóng gửi đơn đăng ký tình nguyện. Vừa đăng ký tối tối hôm trước thì sáng sớm hôm sau cô lên đường. Hành trang bước vào cuộc chiến chống Covid-19 của Phương Anh là nước xịt rửa tay, dung dịch rửa tay, nước súc họng, xà-phòng diệt khuẩn... Với tinh thần phấn chấn, Phương Anh nhanh chóng nhập cuộc, thực hiện nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh, Tây Ban Nha, hỗ trợ các nhân viên y tế, các lực lượng quân đội, an ninh tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây rất nhanh chóng.
Không chỉ là người bắc những cầu nối về ngôn ngữ, các tình nguyện viên còn động viên, chia sẻ với hành khách trong khu cách ly để họ vơi đi những nỗi niềm riêng. Mang ý thức trách nhiệm với cộng đồng, những bạn trẻ đã và đang đóng góp không nhỏ công sức cho công tác phòng, chống dịch của TP Hà Nội, làm đẹp thêm hình ảnh của Thủ đô nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.
(Còn nữa)