Tất cả phụ thuộc vào ý thức

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Dịch bệnh như hiện nay thì càng chẳng ai nghĩ có ngày lại xảy ra và chưa từng có trong lịch sử. Dù vậy, với những kinh nghiệm từng đúc kết được sau những lần dịch SARS, sau lịch sử mấy ngàn năm chống giặc ngoại xâm, chúng ta đã có tâm lý và cả những chiến lược kịp thời.

Coi dịch như giặc, chống dịch là một trận chiến mới quyết liệt, cam go và nan giải, cả đất nước từ trên xuống dưới, đồng lòng nhất trí, cho đến thời điểm này có thể nói đã bảo toàn lực lượng một cách tối đa. Trong trận chiến này, mỗi người dân đều là một chiến sĩ, không một ai ngoài cuộc để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Chính vì thế, chống dịch lần này rất cần ý thức người dân được nâng cao. Chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị, khuyến cáo của chính quyền về các biện pháp phòng chống dịch như cách ly xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang, nâng cao thể lực, tự bảo vệ mình và cộng đồng, khai báo y tế… cũng phụ thuộc vào ý thức.

Không ky thị nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu chống dịch, những người nước ngoài hay trở về từ vùng dịch, không ky thị lẫn nhau cũng đều là ý thức. Bởi lẽ, đây là những kỹ năng mềm, là phần thuộc về văn hóa ứng xử. Điều này không luật lệ, quy tắc nào ràng buộc, xử phạt cho được.

Tất cả thuộc về “tòa án lương tâm”, chính mỗi người chúng ta đều có thể tự suy xét xem mình làm những điều này có phải với lương tâm của mình, có xứng với những gì mà bao người đang nỗ lực ngoài kia để chống dịch?

Anh Hải (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết những ngày cuối khi chuẩn bị “hết hạn” cách ly xã hội, thấy ngoài đường xôn xao tấp nập, anh cũng bồn chồn, háo hức lắm. Anh cũng muốn lao ngay ra đường, hòa vào dòng người cho khỏi cuồng chân, tù cẳng vì nghĩ người ta ra được mình cũng ra, thêm một người nữa cũng chẳng đông thêm.

Rồi anh lại nghĩ, suốt bao ngày mình ở nhà được, đến mấy ngày cuối cùng lại đi ra đường hóa ra công sức những ngày qua là đổ xuống sông xuống bể. Bao nhiêu người từ Tết đến giờ có khi chưa được gặp gia đình. Các y, bác sĩ tạm biệt bố mẹ, con cái để đi vào vùng dịch. Họ thiếu ngủ, không dám ăn, không dám uống nước vì bộ đồ chống dịch bất tiện cho việc vệ sinh cá nhân. Họ còn cuồng chân hơn mình...

Nghĩ vậy, anh Hải lại ở yên trong nhà. “Thêm một người ra đường là thêm rất nhiều nguy cơ, trong khi đó, bớt một người ra đường là công sức chống dịch suốt thời gian qua được đảm bảo hơn rất nhiều”, anh tâm niệm.

Hình ảnh các y, bác sĩ, tình nguyện viên ngủ tạm ngoài trời được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội với lòng biết ơn và trân trọng

Trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ niềm lạc quan, tin tưởng vào một ngày chiến thắng của “trận đánh lịch sử” này không xa. Họ chia sẻ những hình ảnh y, bác sĩ, tình nguyện viên, bộ đội vất vả ăn vội ngủ vội trên những manh chiếu sơ sài, nằm lán, ngủ rừng để lan tỏa sự đồng cảm, thương yêu, biết ơn tới cộng đồng.

Hiệu ứng của hành động này vô cùng lớn khi hàng nghìn người đăng biểu tượng động viện Bệnh viện Bạch Mai; hàng nghìn người chia sẻ, bình luận những lời biết ơn sâu sắc tới những chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch.

Nhận thức được những vất vả, hy sinh thầm lặng này, mỗi người dân chúng ta đã tự vấn lương tâm mình để thấy, kỳ thị họ hay kêu ca, phàn nàn bí bách khi phải “nhịn” một vài nhu cầu nhỏ bé như tụ tập, uống cà phê, rong chơi trên phố là điều vô cùng tầm thường và ích kỉ.

Thay đổi để thích nghi

Phải ứng xử như thế nào trong thời đại dịch để vẫn là người có văn hóa và có một “tâm hồn khỏe mạnh”, bình tâm trước mọi lẽ thường tình của con người? Đó là điều mỗi người cần tự xác định, tự ngẫm ngợi.

Dù là đại dịch nhưng chúng ta phải hiểu rằng, dịch giã chỉ có tính thời đoạn. Cùng với nỗ lực của toàn thế giới, Việt Nam và cụ thể là Hà Nội, nơi chúng ta đang sống, gắn bó và yêu thương, dịch Covid-19 sẽ phải lắng xuống để cuộc sống lại trở về nhịp bình thường.

Thái độ, cách sống, cách ứng xử của chúng ta cũng góp một phần vào công cuộc chống dịch ấy. Vì thế, suốt chiều dài lịch sử, dịch bệnh là điều khủng khiếp nhưng loài người luôn chiến thắng bởi trí tuệ, công sức tập thể và cả trái tim, tình cảm, văn hóa của con người trong khi chống dịch.

Biến gian nan thành cơ hội, biến thử thách thành điều kiện để hoàn thiện và phát triển, văn hóa ứng xử người Hà Nội càng cần có sự thay đổi, uyển chuyển, nhịp nhàng để thích nghi và vẫn phát huy được những ưu điểm của mình.

Bà Thịnh, cán bộ hưu trí ở quận Hoàng Mai vui vẻ nhận xét: “Chúng ta vẫn là những người chủ nhà hồn hậu, thân thiện, mến khách khi nhiệt tình chữa trị cho các bệnh nhân người nước ngoài mắc Covid-19.

Dù họ không phải là công dân của đất nước, không phải là người sinh ra, lớn lên nhưng đến và sống tại Hà Nội thì chúng ta vẫn mở rộng vòng tay, đối xử như người của mình. Đó là sự nhân đạo, nhân văn, đồng thời cũng là biểu hiện cao nhất của việc không phân biệt, không kỳ thị người nước ngoài, dù là mắc bệnh hay khỏe mạnh”.

Chúng ta san sẻ, động viên, bày tỏ lòng biết ơn, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch bằng nhiều hành động cụ thể. Chăm lo suất ăn, đảm bảo dinh dưỡng, cung cấp các nhu yếu phẩm, khẩu trang, quần áo chống dịch, thân thiện với gia đình để họ vững tâm về hậu phương của mình.

Hãy tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và tránh tụ tập đông người ngay cả khi đã hết cách ly xã hội

Chị Hoàng Anh (ở quận Long Biên, Hà Nội) lại lạc quan bày tỏ: “Cách ly không có nghĩa là… chia ly. Chúng ta giữ khoảng cách về không gian nhưng không tạo khoảng cách về tình cảm. Thời buổi công nghệ hiện đại chúng tôi vẫn có thể đóng cửa nhà nhưng giao lưu với hàng xóm, bạn bè, người thân qua mạng xã hội, điện thoại”.

Còn bạn trẻ Minh Vân, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân thì nêu quan điểm: “Nếu không thể động viên nhau bằng những lời ấm áp thì mọi người cũng đừng nên bình luận, phán xét hay tỏ sự nghi ngờ, thậm chí miệt thị những người có quê hay người thân ở vùng dịch, ổ dịch.

Bởi không thể về thăm quê hay chẳng may có người thân bị nhiễm Covid-19 là điều không ai mong muốn. Những người đó vừa lo lắng, vừa thương xót người thân của mình nay lại bị kỳ thị thì càng thêm những gánh nặng vô hình”.

Trong khi đó, với những người bị bệnh đã chữa khỏi, trở về cộng đồng, người Hà Nội không nên thể hiện thái độ bằng những thái cực khác nhau. Đó là chớ “tay bắt mặt mừng” nhưng cũng đừng quay lưng, xa lánh họ như một nguồn bệnh.

Bởi lẽ, khỏi bệnh trở về là họ như đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Điều đó không chỉ đáng mừng cho bản thân họ mà mừng cho y học Việt Nam, cho những chính sách chống dịch của nước ta và mừng cho cả chính chúng ta. Một người khỏi bệnh là thêm một niềm hy vọng rằng Việt Nam có thể làm được những điều thần kỳ mà nhiều nước trên thế giới chưa làm được.

Vì vậy, nếu chẳng may một trong số những người khỏe mạnh chúng ta nhiễm bệnh thì ta vẫn nắm phần thắng trong tay khi có sự hậu thuẫn vững chắc bởi chính sách chống dịch nhân đạo của nước mình, bởi sự tận tụy của các y, bác sĩ, bởi sự động viên cổ vũ của bao người xung quanh.

Cả một núi công việc chất chồng lên vai chính quyền, lên các cơ quan chức năng trong lúc dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Mỗi “chiến sĩ nhân dân” bằng từng việc làm cụ thể của mình, dù ngồi yên ở nhà, dù đóng góp làm từ thiện hay cổ vũ tinh thần cho công tác chống dịch trong lĩnh vực văn hóa cũng là đang nỗ lực dập dịch.

Hy vọng rằng, nhận thức được vấn đề, cư xử đúng mực, đấu tranh để đẩy lùi những biểu hiện thái quá, lên án kì thị trong chống dịch, khi dịch Covid-19 qua đi, người Hà Nội có thêm những bài học và thành quả trong văn hóa ứng xử của mình.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô