Dự án The Legacy bị phạt 75 triệu đồng vì chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở
Dự án Khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê hay còn gọi là dự án The Legacy có địa chỉ tại 106 Ngụy Như Kon Tum (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) do CTCP Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội số 41 và Tổng Công ty Thành An (Binh đoàn 11 Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép xây dựng với quy mô 24 tầng nổi, 2 tầng hầm, tầng kỹ thuật và tum thang.
Theo UBND phường Nhân Chính, có khoảng hơn chục hộ dân đã dọn vào ở dù dự án vẫn chưa được nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng theo quy định. Chúng tôi cũng đã có những thông báo cho cư dân, yêu cầu cư dân không vào sử dụng khi mà công trình chưa được nghiệm thu. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư không bàn giao căn hộ khi chưa được nghiệm thu. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho rằng họ bàn giao thô để cư dân vào hoàn thiện trước khi đưa vào ở nhưng thực tế cư dân dọn vào ở luôn khiến chính quyền rất khó kiểm soát.
Trước đó, ngày 18/09, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội số 41, đại diện liên danh chủ đầu tư dự án.
Theo đó, chủ đầu tư bị xử phạt với số tiền là 75 triệu đồng do bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Hàng loạt ông lớn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp
Nổi lên như điểm sáng của khu vực với chi phí lao động rẻ, vị trí thuận lợi, đặc biệt là việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang là điểm đặt nhà máy mới của hàng loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Thực tế, ngành bất động sản khu công nghiệp nước ta đã sớm cho thấy sự lạc quan, ngay từ đầu năm 2019 khi căng thẳng thương mại lên cao khiến nhiều thương hiệu rục rịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mới đây, sau nhiều tháng đánh tiếng, Apple chính thức công bố việc chuyển dây chuyền sản xuất iPad, Macbook sang Việt Nam, mở ra một cơ hội lớn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng.
Việc các hãng công nghệ lớn của nước ngoài chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam chưa được xác nhận chính thức từ các cơ quan bộ ngành, song tại cuộc họp gần đây về "Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, sau khi Thủ tướng thành lập tổ công tác về hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài, đã có nhiều cuộc họp trực tuyến và các kênh khác để trao đổi, tìm hiểu thông tin về đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, tổ công tác đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn có giá trị hàng tỉ USD tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), tỷ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp các tỉnh miền Bắc, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương trong quý III/2020 đạt 74%, tăng 160% so với quý I/2020.
Nguồn cầu chính cho đất công nghiệp vẫn là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Trong khi đó, khách hàng chủ chốt cho nhà xưởng xây sẵn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại diện của JLL Việt Nam cho biết, với quỹ đất lớn hiện hữu, Hải Phòng và Bắc Ninh dẫn đầu về nguồn cung đất công nghiệp tại miền Bắc. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư sắp tới, các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, trong đó Hưng Yên và Hải Dương là những địa phương năng động nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp mới. Nhìn chung, nguồn cung đất ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.
5 giải pháp phát triển nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp
Theo đại diện Bộ Xây dựng, thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển nhà ở thương mại phân khúc trung cấp mà bỏ qua phân khúc nhà ở giá rẻ. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại khu vực đô thị đều có nhu cầu mua nhà ở để được sở hữu lâu dài, số lượng người có nhu cầu thuê nhà ở chiếm tỷ lệ rất thấp.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc ban hành các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư khu vực đô thị là rất cần thiết. Theo đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu một số nhóm giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.
Thứ nhất là về quy hoạch, bố trí quỹ đất: Các địa phương khi rà soát, xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng như xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Cho phép các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư khu đô thị tại các địa phương chưa sử dụng hết quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội (đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) được dành quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp. Trường hợp chuyển quỹ đất 20% sang làm nhà ở thương mại giá thấp thì Chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất như đối với phần diện tích đất xây dựng nhà ở thương mại trong dự án.
Thứ 2 là về tiêu chuẩn thiết kế và giá bán nhà ở thương mại giá thấp: Nhà ở thương mại giá thấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này là loại nhà ở căn hộ chung cư, thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng hiện hành và đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kết nối hạ tầng trong và ngoài dự án theo quy định của pháp luật.
Giá bán nhà ở thương mại giá thấp cần được xem xét, điều chỉnh trong từng thời kỳ phụ thuộc theo sự biến động của thị trường. Trong giai đoạn trước mắt, giá bán nhà ở thương mại giá thấp thực hiện phương án: đối với các thành phố trực thuộc trung ương, giá bán nhà ở thương mại giá thấp không vượt quá 25 triệu đồng/m2, đối với các địa phương còn lại, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; giá bán đã bao gồm VAT, chưa có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung.
Thứ 3 là cơ chế ưu đãi về đất đai: Doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
Thứ 4 là về thủ tục đầu tư xây dựng: Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn khác ngoài ngân sách);
Trường hợp dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại do cơ quan có thẩm quyền ban hành để tham khảo; được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Thứ 5 là về cơ chế huy động vốn: Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định của Luật Nhà ở (gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền cho thuê, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam).
Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư dự án thương mại giá thấp được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Nguồn cung nhà ở xã hội TP HCM chỉ đáp ứng được hơn 20% nhu cầu
Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu của người dân ở TP HCM về NƠXH là 80.000 căn, nhưng thành phố chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 17.900 căn hộ, chỉ đáp ứng được 22,3% nhu cầu. Thông tin này được ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tại hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Phân khúc nào phù hợp?” tổ chức ngày 24/12/2020 tại TP HCM.
Đối với nhóm giải pháp phát triển nhà ở theo khu vực, tại trung tâm hiện hữu (quận 1 và quận 3), thành phố sẽ ưu tiên tăng chi tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. TP.HCM hạn chế phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025, nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Tại khu vực 11 quận nội thành (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh), thành phố tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây mới các chung cư cũ trước năm 1975. Các dự án chỉnh trang nhà ở ven kênh rạch ở các quận này cũng được ưu tiên.
Trong đó, quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận, TP HCM hạn chế chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Còn quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở mới tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Trong khi đó, tại khu vực 6 quận nội thành phát triển (các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân), thành phố ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (metro số 1) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Thành phố cũng hạn chế chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo.
Còn tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thành phố ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính. Đồng thời, ưu tiên phát triển các khu du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Đặc biệt, ở khu vực ngoại thành, thành phố tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, TP.HCM sẽ khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến metro, vành đai… Thành phố không phát triển các dự án nhà ở mới tại những khu vực chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Quy hoạch phân khu mới chỉ đạt khoảng 78%
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù trên cả nước đã phủ kín quy hoạch đô thị, nhưng quy hoạch phân khu mới đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39%.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị và nhà ở trước năm 2013, chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị có trách nhiệm xây dựng nhà ở (xây thô hoặc hoàn thiện), đảm bảo hình thành các khu vực phát triển đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như kiến trúc, cảnh quan đô thị theo quy hoạch, thiết kế đô thị của dự án.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các dự án theo hình thức này rất khó tiếp cận thị trường vì nhiều nguyên nhân khác nhau như chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, chưa đảm bảo chất lượng thiết kế kiến trúc, chất lượng thi công xây dựng…
Bộ Xây dựng cho rằng, để đảm bảo việc quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan của từng dự án nói riêng và toàn khu vực đô thị nói chung đòi hỏi các địa phương phải xây dựng và ban hành đầy đủ các công cụ quản lý.
Cụ thể là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, chương trình phát triển đô thị và các công cụ khác.
Theo số liệu báo cáo, mặc dù trên cả nước đã phủ kín quy hoạch đô thị, nhưng quy hoạch phân khu mới đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39%.
Việc ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chưa được đồng bộ, kịp thời. Nhiều dự án còn có tình trạng chưa có quy hoạch phân khu để khớp nối với hạ tầng khu vực.
Trong khi đó, các công trình nhà ở riêng lẻ tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt được miễn giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng. Thực tế này, đòi hỏi phải gia tăng kiểm soát việc thực hiện các quy định về quản lý phát triển đô thị trong quá trình người dân tự xây dựng nhà ở.
Do đó, Chính phủ đã quy định Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý về quy hoạch, phát triển đô thị ở Trung ương có ý kiến đối với trường hợp địa phương có đề nghị về việc quy định khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Các trường hợp có đầy đủ hồ sơ theo quy định đều được Bộ Xây dựng cho ý kiến trong thời gian ngắn theo đúng quy định.
Đối với địa phương đã ban hành cơ bản đủ các công cụ quản lý theo thẩm quyền, Chính phủ đã có Nghị định giao UBND cấp tỉnh quyết định mà không cần lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, như trường hợp của TP. Đà Nẵng (Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng).
Bộ Xây dựng cho biết ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/ban-tin-bds-24h-nguon-cung-noxh-chi-dap-ung-duoc-hon-20-nhu-cau-1608798608815.html