Bảo đảm đủ điều kiện xét nghiệm, điều trị
Ban Chỉ đạo đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, bảo đảm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa giữ yên lòng dân và phát triển sản xuất.
Thảo luận về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong khu vực, đánh giá các mô hình phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo nhận định, nhìn chung trong giai đoạn 1, các quốc gia phòng, chống dịch bệnh tốt đều cố gắng kéo dài nhất thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm bệnh. Tương tự khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 phải cố gắng kéo dài nhất thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã có 93 quốc gia có trên 100 ca nhiễm bệnh, trong đó Việt Nam đã có 134 ca, do đó thời gian tới chúng ta phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kéo dài thời gian dịch bệnh lây lan ở dưới mốc 1.000 càng lâu càng tốt.
“Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, dự kiến sẽ ban hành trong ngày hôm nay 26-3, sau đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến”.
Trên tinh thần đó, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung tổ chức tiếp nhận, cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam; quản lý biên giới phía Tây Nam; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men, sinh phẩm… phục vụ xét nghiệm, điều trị bệnh; tổ chức phân luồng điều trị người bệnh. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, về năng lực xét nghiệm, hiện mỗi ngày, Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000 - 10.000 mẫu. Chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng lực xét nghiệm thời gian tới.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp đang được cách ly tập trung, đặc biệt là những nơi có số lượng người cách ly lớn như Hà Nội, TP.HCM. Lực lượng Quân đội hỗ trợ xét nghiệm cho các khu cách ly tập trung tại các tỉnh miền Trung. Trong giai đoạn hiện tại, cơ bản chúng ta có đủ máy móc, vật tư, trang thiết bị bảo hộ… để phục vụ điều trị cho người bệnh, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới.
Rà soát, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện các địa phương cũng đang khẩn trương tiến hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát sàng lọc người nghi ngờ. Ban Chỉ đạo đề nghị địa phương trước hết phải kiểm soát để các trường hợp này phải thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày; tiếp đó tiến hành thu thập thông tin về các địa điểm người nghi ngờ đã di chuyển, danh sách những người đã tiếp xúc để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải tập trung tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm sớm…
Kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà: “Ban Chỉ đạo kêu gọi mọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà. Khi buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn (2m). Đồng thời giữ gìn vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn). Thực hiện ăn chín, uống sôi. Tiến hành khai báo y tế tự nguyện”.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu một số địa phương trọng điểm (đã xuất hiện ca nhiễm chưa rõ nguồn lây) cần tiếp tục khẩn trương truy vết các trường hợp nghi ngờ để sàng lọc, cách ly theo quy định; đồng thời đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục tổ chức thật tốt công tác cách ly, cố gắng không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung…
Không tiếp tế vào khu cách ly để tránh lây nhiễm
Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, Quân đội đã chuẩn bị đủ địa điểm cách ly. Nhìn chung điều kiện sinh hoạt, ăn ở tại nơi cách ly tập trung khá tốt, thậm chí còn cao hơn điều kiện sinh hoạt của bộ đội. Bộ Quốc phòng đề nghị bà con yên tâm, không tiếp tế thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho thân nhân trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm. Quân đội khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng đi đầu trong mọi tình huống để phòng chống dịch, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Về công tác truyền thông phục vụ phòng chống dịch bệnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông cũng phải theo phương châm “chống dịch như chống giặc”. Theo đó, Bộ Y tế cần cung cấp thông tin định kỳ về dịch bệnh cho cơ quan báo chí và nhân dân, với tần suất 2 lần/ngày (sáng, chiều) để vừa minh bạch thông tin về diễn biến dịch bệnh, vừa phản bác những thông tin sai trái… Đối với những trường hợp đột xuất, bất ngờ, Bộ Y tế cũng cần kịp thời cung cấp thông tin để người dân yên tâm.