Thông báo gần đây của Honda Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, bao gồm các chính sách kiểm soát Covid-19 chặt chẽ ở các thị trường xuất khẩu… Chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang bị gián đoạn, dẫn tới những ảnh hưởng cho quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành ô tô, xe máy. Tại Việt Nam, Honda cũng không phải một trường hợp ngoại lệ”. Cùng với đó, Honda Việt Nam cũng thông báo khả năng cung cấp hạn chế đối với một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa.
Ở một số cửa hàng xe máy trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM, để sở hữu những mẫu xe tay ga của Honda Việt Nam như Vision, SH, Lead… khách hàng phải bỏ ra số tiền cao hơn giá niêm yết khoảng 25-30%. Vision 2022 đều được các đại lý đẩy giá bán khủng, thậm chí một số phiên bản xe đội lên gấp rưỡi so với giá đề xuất. Điều đáng nói là dù giá xe tăng “phi mã” nhưng khách hàng vẫn đổ xô tìm mua.
Được biết, Honda Việt Nam biết rõ thông tin giá của dòng xe Vision và nhiều dòng xe khác được bán tại đại lý đang cao hơn so với giá niêm yết. Honda lí giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thực trạng cung không đủ cầu. Honda đang gặp khó trong vấn đề nguồn cung, cụ thể là thiếu linh kiện chip bán dẫn để sản xuất cho một số dòng xe tay ga, trong đó có Vision. Để khắc phục, Honda Việt Nam cho biết, đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ tháng 4/2022, Honda Việt Nam cho biết, đang phải đối mặt với việc sản lượng sản xuất trung bình của một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa sụt giảm. Trong tháng 5, sản lượng xe máy Honda Việt Nam giảm tới 73% so với kế hoạch ban đầu. Tình trạng sụt giảm này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tiếp theo.
Honda Việt Nam cũng là hãng đầu tiên lên tiếng về những khó khăn trong sản xuất và cung ứng xe máy. Các hãng xe máy khác như Piaggio, Yamaha chưa có ý kiến gì về điều này và vẫn cung ứng ổn định, một vài sản phẩm phiên bản màu đặc biệt của Yamaha Exciter có tình trạng khan hiếm song không quá nghiêm trọng. Tuy vậy, Honda là hãng chiếm thị phần lớn nên mức độ tác động đến toàn thị trường cao.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán hàng quý 1/2022 là 753.571 xe, tăng 7.43% so với cùng kỳ năm 2021. VAMM có 5 thành viên là Cty Honda Việt Nam, Cty Suzuki Việt Nam, Cty Yamaha Motor Việt Nam, Cty Piaggio Việt Nam và Cty SYM Việt Nam.
Thông tin từ Cục Công nghiệp cũng cho biết, về sản xuất chip để phục vụ trong ngành ô tô và xe máy thì chưa có kế hoạch thu hút đầu tư nhà máy sản xuất, bởi có những đặc thù nhất định. Do đó, tình trạng khan hiếm xe máy do thiếu chip vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến sản xuất của Trung Quốc. Giải pháp nhanh nhất là Trung Quốc thay đổi chính sách "Zero Covid". Tuy nhiên, việc này vẫn phải đợi sau Đại hội Đảng của Trung Quốc.
Hiện cũng có nhiều DN Việt Nam cung cấp phụ tùng xe máy, nhưng chủ yếu là những mảng đơn giản, còn những bộ phận phức tạp như động cơ thì chưa làm được. Được biết, không chỉ xe máy, mà nhiều hãng sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước như Thaco, Thành Công... dù xe đã hoàn thành xong công đoạn lắp ráp thiết bị, nhưng chỉ vì thiếu chip mà các hãng không thể giao xe cho khách.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), xe máy khan hàng, tăng giá là do thiếu chip (do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid") và chi phí đầu sản xuất tăng. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được chip, mà chủ yếu được nhập từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng phần lớn là Trung Quốc. Việc Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung chip của ngành công nghiệp ô tô, điện tử, xe máy toàn cầu.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-gio-cham-dut-tinh-trang-xe-may-khan-hang-tang-gia-294592.html