Rạng sáng nay (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo tăng lãi suất thêm 0,75% để đối phó với lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là lần đầu tiên, kể từ năm 1994, FED nâng lãi suất ở mức này. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5% - 1,75%.
Tuy nhiên, ông Jerome Powell, Chủ tịch FED tiết lộ: Trong các kỳ điều chỉnh tới, có thế lãi suất vẫn sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5% - 0,75%.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhận định: Việc FED tăng lãi suất thêm 0,75% đã được nhiều tổ chức quốc tế dự báo từ trước.
Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn dự báo, từ nay tới hết năm 2022, FED sẽ còn một số đợt tăng lãi suất nữa, có thể tăng khoảng 2,75% - 3%. tương tự như lời Chủ tịch FED đã nói.
Theo ông Quang, việc FED tăng lãi suất đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế thế giới, nhất là đối với xuất nhập khẩu.
Ông Quang giải thích: “Khi FED tăng lãi suất, giá trị của USD sẽ tăng mạnh. Ngược lại, các đồng tiền của các quốc gia khác sẽ mất giá. Đơn cử như trong đợt tăng lãi suất lần trước, đồng Nhân dân tệ đã mất 5,3%, Won Hàn Quốc cũng mất 2,7%, Bath Thái mất 3,4%. Đây đều là các quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam, việc đồng tiền nội địa mất giá sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thương mại 2 chiều”.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đúng chủ trương "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó, mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng Nghị quyết 43 của Quốc hội.
"Để đảm bảo điều đó, những biện pháp ứng phó Ngân hàng Nhà nước rất đa dạng, sử dụng đồng bộ các công cụ, từ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá...", ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài tác động tới thương mại, việc FED tăng lãi suất còn tạo ra “làn sóng” tăng lãi suất ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Về mặt tích cực, việc tăng lãi suất có thể giúp một quốc gia kiềm chế lạm phát, tuy nhiên nó sẽ tác động trực tiếp vào người dân và doanh nghiệp khi cần vay vốn để đầu tư, mua nhà hay vay tiền để chi tiêu cá nhân.
Về vấn đề này, ông Quang nói: Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, đã có khoảng 113 đợt tăng lãi suất trên toàn thế giới. Tuy nhiên, riêng Việt Nam lại đi ngược xu hướng đó. Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh hạ lãi suất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng kinh tế.
“Chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng và hồi phục. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình lạm phát có thể điều chỉnh lãi suất một cách linh hoạt, để kinh tế vĩ mô ổn định”, ông Quang nói.
Nguồn: https://congluan.vn/fed-tang-lai-suat-anh-huong-toi-kinh-te-viet-nam-nhu-the-nao-post199434.html