Ám ảnh vì lò gạch...

Theo phản ánh của người dân, trong suốt một thời gian dài tình trạng hàng loạt lò gạch thủ công đua nhau mọc lên như nấm sau mưa trên địa bàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Có mặt tại khu vực cầu Bợ thuộc xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), theo cảm nhận của chúng tôi là bầu không khí khó chịu, ngột ngạt bởi khói và bụi bốc ra từ hàng trăm chiếc lò gạch thủ công dọc hai bên bờ sông Gâm gần đó.

Lo-gach-thu-cong (1)

Hàng trăm lò gạch thủ công vẫn ngày đêm "đầu độc" môi trường tại xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang).

Một số người dân tại đây cho biết, các lò gạch thủ công này được xây dựng và hoạt động trong suốt một thời gian dài. Trước đây, những lò gạch thủ công sử dụng nguyên liệu sản xuất chủ yếu là đất đồi, đất san nền, một số cơ sở sản xuất sử dụng đất tại chỗ tạo ra những hố sâu gây sạt lở đất, mất an toàn đối với người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn tài nguyên đất.

Nhiều năm qua mỗi khi các lò gạch này hoạt động là cả một vùng rộng lớn bị bao trùm bởi khói bụi, cây cối, hoa màu và đời sống, sức khỏe của nhân dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Ở đây đốt gạch hàng vài chục năm rồi, biết là bị ô nhiễm, bệnh tật đấy nhưng tránh đi đâu được bây giờ?", một người dân thôn An Thạch 2 bày tỏ.

Lo-gach-thu-cong (3)

Các lò gạch trên địa bàn xã Thái Sơn nung đốt gạch bằng than và củi nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. 

Ngoài ra, người dân địa phương cho biết các lò gạch trên địa bàn hiện nay hầu hết không có máy móc hiện đại, sản xuất theo dây chuyền thủ công, chỉ dùng than và củi để nung đốt nên tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước ngày càng trở nên trầm trọng. Trung bình mỗi lò gạch sau quá trình nung khoảng 3 ngày 2 đêm sẽ cho ra lò hàng vạn viên gạch.

"Họ nung gạch thế này khói bụi quanh năm, nhiều hôm trở gió tạt khói vào hăng hắc, ngột ngạt tưởng không thở nổi nên nhiều người ở đây mắc bệnh tật về hô hấp, ho sặc sụa lúc nào cũng mệt mỏi", ông T. một người dân thôn An Lâm chia sẻ.

"Phớt lờ" quy định?

Trước đó, tháng 10/2013, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định 398/QĐ - UBND về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công đến năm 2020. Theo đó, các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu (khoảng cách tính từ lò gạch đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100 m) phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 21/12/2014.

Đối với các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31/12/2017. Đến năm 2020, tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung và phải chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch không nung.

Lo-gach-thu-cong (4)

Cả một vùng dọc theo hai bên bờ sông luôn ngập chìm trong khói và bụi do các lò gạch thủ công thải ra.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện xóa bỏ dứt điểm, triệt để việc sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công. Lập phương án, lộ trình xóa bỏ đối với từng cơ sở, từng lò gạch ở từng khu vực cụ thể.

Giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng về kế hoạch lộ trình này nhằm bảo vệ môi trường, nhất là đối với các chủ cơ sở sản xuất; chỉ đạo các chủ cơ sở ký cam kết chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ lò gạch trả lại mặt bằng theo đúng lộ trình đã cam kết.

Lo-gach-thu-cong (2)

Lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) vẫn ì ạch và chủ yếu triển khai... trên giấy?

Cũng theo văn bản này, sau thời hạn cam kết, nếu các chủ sở sản xuất chưa thực hiện việc tháo dỡ thì kiên quyết chỉ đạo thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ghi nhận ở thời điểm hiện nay, dù đã quá thời hạn để thực hiện nhưng không hiểu sao lộ trình xóa lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) vẫn ì ạch triển khai... trên giấy?

Trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở đâu khi hàng ngày, hàng trăm lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên "đầu độc" môi trường và sức khỏe của người dân?

Theo Giadinhvietnam.com