Khu công nghiệp (KCN) vốn được biết đến là một hình thức đặc trưng của các nước châu Á nhờ vào lợi thế kinh tế theo quy mô. Trung Quốc nhìn chung đã khởi xướng hoạt động này và trở thành “công xưởng của thế giới".
Tuy nhiên, chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc đã dẫn đến xu hướng di dời hoạt động sản xuất từ khoảng năm 2015. Thêm vào đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần đây càng thúc đẩy động thái này, dẫn đến những quan ngại về kế hoạch di dời sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), điều này sẽ tạo ra cơ hội đối với hoạt động cho thuê KCN tại Việt Nam và một số nước Asean. Nhu cầu cho thuê tại Việt Nam ghi nhận tăng vọt từ giữa năm 2018 và kỳ vọng duy trì ở mức cao trong năm 2019.
Trong năm mới Kỷ Hợi, VDSC cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn giữa diễn biến phức tạp của tranh chấp thương mại.
Nguyên nhân là do Việt Nam sở hữu những lợi thế hấp dẫn với vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, không có KCN nào nằm sâu trong đất liền và các cụm KCN chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được tăng cường đầu tư.
Đồng thời, môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể khi Việt Nam nhảy vọt 24 bậc trong ba năm, lên vị trị 69 theo World Bank... là những yếu tố hấp dẫn giới đầu tư trong thời gian qua và những năm tới đây.
Số liệu thống kê cho hay, chi phí lao động trung bình tại Việt Nam ước tính thấp hơn 43% và 10% so với Thái Lan và Indonesia. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Việt Nam ghi nhận khoảng 73% (theo MPI) trong khi hơn 90% đất thương phẩm tại Thái Lan đã đi vào khai thác (theo CBRE), tính đến cuối Q2 2018.
Thái Lan là nơi tập trung sản xuất ngành công nghiệp ô tô tại châu Á, trong khi Việt Nam được các tập đoàn công nghệ hàng đầu chọn lựa trong hơn 10 năm qua.
Tác động tích cực từ hiệu ứng của các tập đoàn lớn
Năm 2019, chủ đầu tư KCN kỳ vọng tăng trưởng nhờ hiệu ứng từ các tập đoàn thuê lớn. Theo đó, Samsung, LG và một số tập đoàn lớn khác đã hiện diện hơn 10 năm tại Việt Nam, tạo nên nhu cầu thuê lớn tại phía bắc. Lực lượng lao động đồng bộ và sự thuận lợi tiếp cận các nhà cung ứng đã tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất tại khu vực.
Nhóm nghiên cứu VDSC cho rằng điều này sẽ khuyến khích nhà cung cấp đặt nhà máy sản xuất gần với khách hàng của họ.
"Chúng tôi quan sát thấy tiềm năng cho thuê lớn có thể xuất phát từ kế hoạch tăng sản xuất màn hình OLED từ Samsung Display và LG Display, đầu tư năng lượng mặt trời và hoạt động sản xuất ô tô của Vinfast trong thời gian tới", VDSC nhận định.
Nghiên cứu của VDSC cũng chỉ ra rằng, KCN phía Bắc là điểm đến ưa thích của các tập đoàn, công ty công nghệ. Giá cho thuê trung bình tại phía Bắc là 82 USD/m2/50 năm, cao hơn 13% so với khu vực phía Nam.
Khách thuê tại miền Nam đa dạng hơn, bao gồm cả ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Tranh chấp thương mại gần đây cũng khuyến khích doanh nghiệp từ Đài Loan và Trung Quốc, phần lớn là SMEs, chuyển hoạt động sản xuất sang các KCN phía Nam.
Mặc dù cơ hội là nhiều nhưng VDSC vẫn lưu ý 3 rủi ro lớn đối với hoạt động đầu tư phát triển KCN. Thứ nhất là dòng vốn FDI sẽ chững lại do những bất ổn toàn cầu. Thứ hai, chi phí dịch chuyển sản xuất dự báo sẽ tăng vọt. Và thứ ba, những thay đổi về quy định, chính sách có thể dẫn đến trì hoãn cho thuê và chi phí đền bù tăng cao.
Gia Minh