Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực này, chuyên gia cho rằng, cần những doanh nghiệp tiên phong gắn kết giữa hai mảng bất động sản và công nghệ, phát triển những ứng dụng proptech có giá trị cho các chủ thể của thị trường.
Chuyển đổi số - hướng đi không thể khác
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết với tựa đề "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
"Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - 'phương thức sản xuất số'", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, khi thực hiện chuyển đổi số - tức là có sự thay đổi trong quan hệ sản xuất - sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ.
Nói về tính cấp thiết của chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: "Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người', nên chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp".
Có thể thấy, chưa bao giờ câu chuyện về chuyển đổi số được quan tâm nhiều như hiện nay. Điều này chứng tỏ, chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực hay quốc gia. Chính vì vậy, bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào, muốn tồn tại và phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số là con đường buộc phải đi, dù sớm hay muộn.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, Đảng và Nhà nước ta hiện cũng đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đó là xu hướng tất yếu làm thay đổi nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Nghị quyết số 52 - NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số.
Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Quyết định đề ra 6 nhiệm vụ tạo nền móng cho công cuộc chuyển đổi số, gồm: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Với những chủ trương và nhiệm vụ rõ ràng, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ, toàn diện, phát huy tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bất động sản trong "cuộc đua" chuyển đổi số
Không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản hiện nay cũng đã đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… trong việc đầu tư, quản lý, kinh doanh bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng những công cụ kỹ thuật số thay thế cho phương pháp làm việc truyền thống trước đây. Việc quản lý dự án, thông tin khách hàng hay tài liệu chung đều được thực hiện chủ động trên các phần mềm, tạo nên tính đồng bộ trong toàn hệ thống, giúp việc trao đổi thông tin diễn ra mạch lạc hơn và quá trình chăm sóc khách hàng nhanh chóng hơn. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực như quản lý tòa nhà, mua bán bất động sản hiện cũng đã áp dụng các nền tảng công nghệ giúp đảm bảo hiệu quả công việc.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, trong khoảng 5 năm trở lại đây, chuyển đổi số đang từng bước thể hiện rõ vai trò của mình trong lĩnh vực bất động sản. Từ doanh nghiệp đầu tư đến doanh nghiệp phân phối, tư vấn, môi giới, thậm chí là nhà đầu tư đều quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện chuyển đổi số.
Theo chuyên gia này, đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số là tất yếu, mang tính sống còn.
"Chuyển đối số đang là xu thế không thể thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ 4.0. Sớm hay muộn, bất động sản Việt Nam vẫn phải thực hiện chuyển đổi số. Thế nên, chuyển đổi càng sớm thì càng thuận tiện, mục đích của việc phát triển bền vững thị trường càng sớm thực hiện", ông Phong nói.
Chia sẻ rõ hơn về lợi ích trong việc chuyển đổi số cho thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, bên cạnh giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản thì chuyển đổi số còn giúp thị trường lưu thông ổn định, minh bạch hơn, tăng tính thanh khoản và kết nối cung - cầu nhịp nhàng.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp thị trường lưu giữ thông tin tốt, từ đó thiết lập được một hệ thống thông tin dữ liệu số – điều mà từ trước đến nay Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Chủ tịch Thiên Khôi Group - một trong những doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động môi giới, tư vấn bất động sản, chia sẻ việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bất động sản có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp muốn thích ứng và tồn tại trong thời đại công nghệ 4.0, trong đó có cả đội ngũ nhà tư vấn, nhà môi giới bất động sản.
Theo đó, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp khắc phục được những hạn chế về mặt không gian và thời gian cho các giao dịch bất động sản. Cụ thể, ứng dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp công việc được thực hiện liên tục 24/24, thay vì chỉ 8 tiếng/ngày như bình thường.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Chủ tịch Thiên Khôi Group.
Về mặt không gian, thay vì phải đi xem trực tiếp sản phẩm, công nghệ số sẽ giúp khách hàng có thể xem qua hình ảnh, clip, dữ liệu số. Hơn hết, việc khách hàng đến tận nơi chưa chắc đã hình dung rõ về sản phẩm, do các tiện ích xung quanh như hạ tầng giao thông, vị trí kết nối phải được nhìn từ trên cao. Nhưng nếu áp dụng chuyển đổi số thì khách hàng dễ dàng có những góc nhìn toàn cảnh về sản phẩm. Từ đó, giúp khách hàng đưa ra quyết định phù hợp để đi đến giao dịch.
Lãnh đạo Thiên Khôi cho biết, doanh nghiệp hiện đang đầu tư nghiên cứu và cung cấp các ứng dụng công nghệ để hỗ trợ việc tư vấn, môi giới, quản lý, đầu tư, kinh doanh, giao dịch bất động sản trở nên dễ dàng, nhanh chóng. Trong đó, Thiên Khôi tập trung tổng hợp data, phân tích dữ liệu để có thể giải những bài toán công nghệ hiệu quả nhất, đặc biệt là tạo ra công cụ tốt nhất cho các nhà tư vấn, môi giới, đầu tư bất động sản trong việc kết nối cung - cầu của thị trường. Bởi khi dữ liệu tốt thì những đánh giá mới chính xác, từ đó có những quyết định chính xác, xây dựng được các phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ thực hiện do dữ liệu đòi hỏi phải liên tục cập nhật nhanh chóng nhằm đảm bảo tính thời sự, tính biến động của thị trường.
Thiên Khôi Group - một trong những doanh nghiệp đang nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động môi giới, tư vấn bất động sản.
Nhiều chuyên gia cũng chung nhận định, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam nhìn chung còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ. Những gì đã ăn sâu vào gốc rễ tiềm thức rất khó để thay đổi.
Chưa kể, thị trường bất động sản hiện chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn, chính xác nên việc áp dụng chuyển đổi số cũng trở nên khó khăn hơn nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, cần có hệ thống thông tin chuẩn xác nhất về thị trường để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng. Cùng với đó, cần có những cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số./.
Nguồn: https://reatimes.vn/bat-dong-san-trong-cuoc-cach-mang-chuyen-doi-so-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-20224093021483103.htm