Thương vụ ngàn tỉ

Trường THPT năng khiếu Trần Phú được giao quản lý sử dụng 10.014m2 đất vàng, thuộc phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền nằm ở trung tâm TP. Hải Phòng.

Khu trường THPT chuyên Trần Phú đã hoàn thành giải phóng mặt bằng

Khu trường THPT chuyên Trần Phú đã hoàn thành giải phóng mặt bằng

Theo bảng giá đất của UBND TP. Hải Phòng ban hành năm 2017 thì đất ở khu vực này từ 55 – 63 triệu đồng/m2. Còn theo thị trường giao dịch có trả cả trăm triệu đồng/m2 cũng khó có thể mua nổi. Như vậy, tính theo khung giá đất của TP.Hải Phòng, mảnh đất trường Trần Phú sử dụng có giá trị là 630 tỉ đồng, còn nếu tính theo giá thị trường sẽ khoảng trên 1.000 tỉ đồng.

Giá trị của đất lớn như vậy nên mặc dù trường Trần Phú liên tục được đầu tư xây dựng giai đoạn 1996 - 2011, so với nhiều trường học khác, cơ sở vật chất của trường Trần Phú còn khá tốt, nhưng trường vẫn phải di chuyển đi nơi khác để nhường chỗ cho Dự án xây khách sạn 5 sao của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Nhật Hạ.

Chuyển trường để xây khách sạn. Nhìn dưới góc độ văn hóa, chắc chắn nhiều cư dân TP. Hải phòng, những thế hệ học sinh của trường Trần Phú sẽ cảm thấy mất mát khi những kỉ niệm dưới mái trường xưa không còn nữa.

Còn nhìn dưới góc độ kinh tế, nếu như thực hiện dự án này DN nộp vào ngân sách UBND TP. Hải Phòng 1.000 tỉ đồng thì có lẽ người dân Hải Phòng cũng sẽ bớt đi được phần nào day dứt. Nhưng điều ấy chỉ có thể xảy ra nếu UBND TP. Hải Phòng đem bán đấu giá mảnh đất này nhằm lựa chọn một nhà đầu tư có đủ năng lực khai thác giá trị của đất.

Tuy nhiên, sự thật bẽ bàng đau đớn hơn tưởng tượng rất nhiều. Mảnh đất vàng đã được UBND TP. Hải Phòng giao cho DN dưới hình thức “chỉ thầu”. Để lấy được mảnh đất “vàng” trị giá cả ngàn tỉ đồng, DNTN Nhật Hạ chỉ cam kết nộp ngân sách trên 6 tỉ đồng (chưa bao gồm các khoản tiền chi phí thuê đất hàng năm và một số loại phí hết sức nhẹ nhàng).

Cựu giáo chức Nguyễn Đình Thám bị đột quỵ, phải nhập viện sau khi nhận quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Cựu giáo chức Nguyễn Đình Thám bị đột quỵ, phải nhập viện sau khi nhận quyết định cưỡng chế thu hồi đất

Số tiền này chả thấm vào đâu so với các khoản chi từ ngân sách để thực hiện dự án này. Chỉ tính riêng việc phải đập bỏ một ngôi trường còn tốt đã là vô cùng lãng phí tài sản của xã hội, nay chuyển trường Trần Phú sang một địa điểm khác ngân sách TP. Hải Phòng đã phải đầu tư xây mới toàn bộ cơ sở vật chất của một trường học lên tới hơn 240 tỉ đồng, thành phố cũng lại mất đi một quỹ đất khoảng 40.000 m2 có giá trị không nhỏ để xây trường. Chưa hết, ngân sách TP. Hải Phòng lại phải chi ra cho công tác giải phóng mặt bằng 17 hộ dân đang sinh sống cạnh trường Trần Phú.

Xem ra xung quanh dự án này, quỹ đất công cũng như ngân sách nhà nước đang được bỏ ra để làm lợi cho DN.

Trục lợi bằng quyền lực?

Việc UBND TP. Hải Phòng giaocả chục ngàn mét đất vàng cho DNTN sử dụng dưới hình thức chỉ định thầu khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đây là cách dùng quyền lực để trục lợi?

Đã vậy thông qua viêc bổ sung Dự án xây khách sạn 5 sao vào danh mục Dự án chỉnh trang đô thị nghiễm nhiên biến dự án đầu tư của một DNTN thành dự án công ích. Nhờ đó, Công ty TNHH Nhật Hạ không phải tự đàm phán với 17 hộ dân trong vùng dự án để giải phóng mặt bằng, cũng không phải bỏ tiền chi phí giải phóng mặt bằng càng làm cho mối nghi ngờ trên đẩy lên cao.

Thêm vào đó, UBND TP. Hải Phòng sử dụng khoản ngân sách gần 30 tỉ đồng chi cho Dự án chỉnh trang đô thị để trực tiếp thu hồi nhà đất của các hộ dân giao cho DN.

Các hộ dân nằm trong dự án Xây dựng khách sạn 5 sao đang “ngồi trên đống lửa” khi chính quyền có văn bản cưỡng chế thu hồi đất

Các hộ dân nằm trong dự án Xây dựng khách sạn 5 sao đang “ngồi trên đống lửa” khi chính quyền có văn bản cưỡng chế thu hồi đất

Việc chính quyền Hải Phòng cho rằng Dự án xây dựng khách sạn 5 sao là dự án “Chỉnh trang đô thị”, vì lợi ích quốc gia, công cộng là không chuẩn. Bởi lẽ, theo Điểm c, Khoản 9, Điều 2, Nghị định 11/2013/NĐ-CP đã định nghĩa rất rõ: “Dự án cải tạo chỉnh trang khu đô thị là dự án cải tạo, nâng cấp mặt ngoài hoặc kết cấu các công trình trong khu vực đô thị hiện hữu nhưng không làm thay đổi quá 10% các chỉ tiêu sử dụng đất của khu vực. Trong khi đó, dự án “Xây dựng khách sạn 5 sao” là dự án xây mới không phải là “cải tạo, nâng cấp” và cũng không nằm trong “khu đô thị hiện hữu”.

Vậy, thông báo thu hồi đất số 469 ngày 11/7/2017 để bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao do UBND TP Hải Phòng ban hành là trái quy định của Luật Đất đai 2013.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ngân sách lại được chi ra để làm lợi cho DN? Tại sao lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng lại đưa ra quyết định chỉ thầu cho DN Nhật Hạ mà không tổ chức đấu giá thu lợi cao hơn nhiều cho ngân sách nhà nước?

Dọn đường để chỉ thầu?

Ngày 31/3/2017, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch có văn bản số 153 báo cáo UBND TP. Hải Phòng về hình thức lựa chọn nhà đầu tư của dự án xây dựng khách sạn 5 sao như sau: “Khu đất số 12 đường Trần Phú (rộng 1,2ha) và toàn bộ các công trình trên đất hiện đang do Trường THPT chuyên Trần Phú quản lý. Do đó, khu đất trên không phải giải phóng mặt bằng khi nhà nước giao đất, cho thuê đất. Như vậy, việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư khách sạn 5 sao tại khu đất số 12 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền phải thực hiện theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản của nhà nước”.Tuy nhiên, đúng 17 ngày sau (17/4/2017), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch có văn bản số 183 trình UBND TP: “Bổ sung diện tích đất ngõ 56 Trần Phú và khu đất thửa số 202, số 204 đường Trần Bình Trọng vào dự án xây dựng khách sạn 5 sao”. Do phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, nên phải áp dụng quy định lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu (không phải đấu giá quyền sử dụng đất).

 

Bạn đang đọc bài viết Bất thường việc di dời trường học lấy hơn 10.000 m2 "đất vàng" giao cho tư nhân tại chuyên mục Pháp lý BĐS của Tạp chí Bất động sản Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected]

Theo Báo Nông Nghiệp