Hiểm họa từ đồ chơi Trung Quốc

Mới đây, Chất lượng Việt Nam đưa tin, chị Thu Phương ( Uông Bí, Quảng Ninh) chia sẻ trên trang cá nhân, con gái chị đeo một chiếc nhẫn đồ chơi hiệu Mickey ở ngón giữa, sau vài ngày ngón tay bỗng sưng tấy và phồng rộp kèm các triệu chứng ngứa ngáy. Ngay lập tức chị sát trùng và bôi thuốc kháng khuẩn nhưng vết thương do cọ sát với chiếc nhẫn vẫn sưng phồng, rộp nước, khiến bé rất đau đớn. 

Theo chị Phương, món đồ chơi con chị dùng được mua tại cửa hàng tạp hóa. Trên nhãn đồ chơi ghi "made in China". "Con tôi bị 1 tuần rồi mà tình trạng phồng rộp trên tay vẫn chưa khỏi", chị Phương viết. Bà mẹ này cũng khuyến cáo nên cẩn thận cho con chơi các món đồ chơi từ Trung Quốc, nhất là các loại đồ chơi bằng hạt nhựa. 

Tay bé gái bị tổn thương nặng sau khi đeo nhẫn hạt nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc

Đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc đang được bán phổ biến tại thị trường Việt Nam. Điều đáng nói, bên cạnh các sản phẩm được kiểm định chất lượng thì không ít những loại đồ chơi được nhập về và bán trôi nổi không qua một sự kiểm soát nào về chất lượng. Đây chính là nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ nhưng rất ít được các phụ huynh quan tâm.

Theo ước tính, mỗi năm số trẻ em gặp rắc rối về sức khỏe do chơi phải đồ chơi mất an toàn lên tới  hàng trăm trường hợp. Nặng thì nhập viện do hóc dị vật, tổn thương thân thể do chơi đồ chơi không phù hợp lứa tuổi, nhẹ thì dị ứng thậm chí có những món đồ chơi không gây hại trực tiếp mà có khả năng tích tụ lâu dài ảnh hưởng đến nòi giống.

Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Lan, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, các trường hợp nhập viện do sử dụng đồ chơi mất an toàn không còn là chuyện hiếm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 7 trường hợp đến thăm khám và cấp cứu tại viện vì hệ lụy của các món đồ chơi mất an toàn.

Ông Vũ Đại Dương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, các loại vòng đeo tay bằng nhựa được coi là đồ chơi trẻ em. Các sản phẩm này khi lưu thông trên thị trường cần phải được kiểm định chất lượng và gắn dấu hợp quy.

"Riêng các đồ trang sức bằng kim loại, mỹ ký dành cho trẻ em thì không được coi là đồ chơi, nhưng các loại vòng hạt nhựa, nhẫn đeo tay bằng nhựa... vẫn được coi là đồ chơi mà phải được kiểm soát về chất lượng", ông Dương cho biết.

Thấy rẻ, đẹp là mua

Theo khảo sát của Người lao động, tại TP.HCM trên đường Nguyễn Thái Học, khu vực gần cầu Ông Lãnh (quận 1) do có 2 trường học nên tập trung nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Tại đây, nhiều món đồ giá bán chỉ từ 5.000 đồng trở lên, màu sắc bắt mắt, thu hút nhiều học sinh đến mua.

Theo chủ một cửa hàng, các loại miếng dán hoạt hình được trẻ ưa chuộng vì giá rẻ, nhiều mẫu mã. Tuy nhiên, khi hỏi về xuất xứ thì chủ cửa hàng trả lời ậm ờ “Hàn Quốc hay Trung Quốc gì đấy”. Rất nhiều loại đồ chơi được bán ở đây trên nhãn chỉ toàn tiếng Hoa, tiếng Anh mà không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt hay tem hợp quy CR. Ngay cả nhãn gốc cũng không có thông tin về nhà sản xuất.

Tại Hà Nội, càng về cuối năm, nhiều mặt hàng dành cho trẻ em có xuất xứ Trung Quốc tràn ngập thị trường. Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), các mặt hàng đồ chơi được bán tràn lan ngay ở cổng ra vào, với những búp bê Barbie, chú Minion, sâu… đủ màu sắc.

Một chủ cửa hàng thừa nhận tất cả đều là hàng Trung Quốc. “Những mặt hàng này Việt Nam cũng sản xuất được nhưng giá cao, màu sắc không đẹp bằng. Ví dụ, một con Minion đồ chơi loại nhỏ hàng Việt Nam bán đến 90.000 đồng nhưng của Trung Quốc chỉ khoảng 40.000 đồng” - chủ cửa hàng này nói.

Phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) là nơi trẻ em thích tìm đến bởi ở đây luôn bán đủ các loại đồ chơi mới lạ. Theo quan sát, nhiều cửa hàng ở phố này bày bán rất nhiều đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có cả dao, kiếm, súng, gậy phát sáng, mặt nạ, túi bóng bay... Chủ một cửa hàng thành thật nói: “Chúng tôi chọn hàng Trung Quốc bởi đa dạng, đẹp và rẻ hơn hàng Việt Nam”.

Cần siết chặt mua bán đồ chơi

Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa cho biết thêm, liên quan đến các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc độc hại, có thể gây ung thư và vô sinh bày bán tràn lan tại TP.HCM mà báo giới đề cập trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc giải quyết.

Những miếng dán sticker của Trung Quốc độc hại được bày bán khắp nơi 

Theo ông Kiếm thông tin, lực lượng Quản lý thị trường của TP.HCM vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra các cửa hàng đồ chơi dành cho trẻ em. Với những cửa hàng nào bày bán sản phẩm không nằm trong danh mục cho phép lưu hành, chắc chắn lực lượng chức năng sẽ thu hồi, xử lý theo đúng qui định của luật.

Còn bà Lâm Thụy Nguyên Hồng – Giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long, một đơn vị chuyên sản xuất đồ chơi dành cho trẻ em của Việt Nam, cho biết, để sản xuất được một loại đồ chơi an toàn, phù hợp với trẻ cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí khác nhau, như an toàn, cơ học, hóa học, tính chống cháy…

Nếu đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, thì khó có thể đáp ứng được đầy đủ những tính năng cơ bản của một loại đồ chơi an toàn.

Để sản xuất được một loại đồ chơi vừa có giá rẻ, lại đẹp mắt thì nhà sản xuất cần phải sử dụng lại nhựa đã tái sinh, tiếp đó dùng các loại hóa chất độc hại để tẩy, rửa, dùng các loại màu công nghiệp rẻ tiền để ‘lên màu’ lại cho đồ chơi.

Chính vì vậy, theo bà Hồng, các bậc phụ huynh nên thể hiện sự cảnh giác cao độ trước các loại đồ chơi rẻ tiền của Trung Quốc, vì nó rất độc hại và có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường khi trẻ sử dụng./.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam