Môn Lịch sử

Thí sinh nên giành 10 phút đọc đề thi, cầm đề thi nên đọc từ đầu đến cuối, sau đó mới làm bài, đọc kỹ từ đầu đến cuối xem câu nào chắc chắn thì làm trước, quá trình làm mỗi câu hỏi phải đi theo trật tự từ đầu đến cuối, tránh bỏ sót ý. 

Khi làm bài thi các thí sinh nên sử dụng giấy nháp, cân đối thời gian làm bài hợp lý, viết bài theo công thức. Đồng thời phải biết cách vận dụng kiến thức tổng hợp. Biết phân bố thời gian khi làm bài thi cũng là một bí quyết để có thể đạt điểm cao, nên làm các câu dễ trước, câu khó sau. Điều này sẽ giúp cho thí sinh tránh được những căng thẳng không đáng có trong quá trình làm bài thi.

Mỗi đề thì thường có một câu hỏi khó là câu bổ dọc (không theo trình tự trong sách mà bản thân thí sinh phải tự tư duy để tổng hợp lại). Hãy bình tĩnh và đọc thật kỹ câu hỏi ghi chi tiết các sự kiện thí sinh cho là cần thiết ra nháp để tránh thiếu khi làm bài, sau đó tìm các câu nối, câu lý giải hợp lý để liên kết các sự kiện lại với nhau là được. Đừng quên phải có câu tổng kết khẳng định lại câu trả lời của mình.

 Cách viết một bài thi là phải có mở bài, thân bài và kết bài cho mỗi câu. Song ở phần thân bài, khi trình bày các ý phải rõ ràng và mạch lạc. Tốt nhất, nên xuống dòng khi hết mỗi ý. Bài thi trình bày sáng sủa cũng đã chiếm được nhiều cảm tình của các giáo viên chấm thi rồi.

Để có bài làm tốt, chất lượng, các em cần có những nhận định, so sánh và đánh giá, nếu như bản thân các em cảm thấy việc đánh giá, so sánh này khó hoặc là chưa tự tin thì có thể tham khảo các thầy cô khi dạy trên lớp và khi ôn tập.Trong các bài làm, nếu như chỉ đơn thuần lại tái hiện các mốc thời gian và các sự kiện xảy ra thì bài làm đó sẽ không được đánh giá cao. 

Bài viết liên quan: Bí quyết làm bài thi môn Văn điểm cao

Môn Địa lý 

 Trước khi làm bài, TS nên đọc kỹ đề thi ít nhất là 3 lần và nên gạch chân ý chính. Sau đó nên lập dàn bài tổng quát để bài làm đầy đủ không sót ý. Nhớ làm bài theo đúng trình tự cũng như nên xuống dòng sau mỗi ý. 

Trong đề thi, câu nào dễ, câu nào ngắn thì nên làm trước. Nhiều bạn thích làm câu nhiều điểm trước hay câu khó trước, để rồi khi bị bí, ngồi cắn bút suy nghĩ làm mất thời giờ và cũng làm mất khí thế làm bài, và bài sẽ ít điểm.

* Về vẽ biểu đồ

- Cần xác định đúng biểu đồ đề yêu cầu. Vì vẽ không đúng loại biểu đồ thì dù vẽ đẹp vẫn không có điểm. Lưu ý về biểu đồ: biểu đồ có ba yêu cầu - đúng, đủ và đẹp. Không đúng không có điểm, đúng nhưng thiếu (không đủ) thì mất điểm. Đúng, đủ nhưng không đẹp thì vẫn không thể có điểm tối đa. Nhiều TS hay thiếu tên biểu đồ, thiếu đơn vị, thiếu số, thiếu ghi chú, thiếu năm...

- Khi nhận xét biểu đồ tròn, biểu đồ miền hoặc số liệu là số (%) ta phải ghi thêm chữ “tỉ trọng” cho mỗi yếu tố (như ví dụ trên) mới đúng, thiếu 'tỉ trọng' là không có điểm. Tránh ghi nhận xét, kiểu: A tăng giảm không đều. Hai từ tăng và giảm có giá trị ngược nhau, không thể đi chung.

Trong trường hợp này chỉ có thể nói A tăng hay A giảm. Nếu A có giá trị năm cuối lớn hơn giá trị năm đầu thì phải viết: A tăng không liên tục. Nếu A có giá trị năm cuối nhỏ hơn giá trị năm đầu thì ta viết: A giảm không liên tục.

* Không phụ thuộc vào Atlat

TS không nên quá chủ quan dựa vào Atlat, vì có những điều trong sách giáo khoa mà không có trong Atlat như vai trò, ý nghĩa, đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, hướng phát triển, giải pháp... Các vấn đề này phải học thuộc mà thôi. Về bài học cần nắm vững các kiến thức căn bản. Lập sơ đồ tổng quát dạng hình cây thư mục để nắm ý chính.

 

 

Khánh Nguyễn (tổng hợp)/ Theo GĐVN