Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng; kho tiếp nhận xăng dầu; phương tiện vận tải xăng dầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải báo cáo cụ thể về hệ thống phân xăng dầu. Trong đó có liệt kê cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê (từ 5 năm trở lên), đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương kiểm tra điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.

Cùng với đó phải báo cáo hệ thống phân phối xăng dầu của doanh nghiệp với các thông tin cửa hàng thuộc sở hữu, cửa hàng thuê, cửa hàng trực thuộc đại lý bán lẻ xăng dầu, cửa hàng trực thuộc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu…

Các báo cáo này gửi về Bộ Công thương trước ngày 30/1.

Trước đó, trong kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cho biết, cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, 2 doanh nghiệp đầu mối sản xuất xăng dầu, 341 doanh nghiệp phân phối xăng dầu, 18 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, 312 đại lý, 17.449 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, qua thanh tra phát hiện 33 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm những lỗi như dự trữ xăng dầu lưu thông tối thiểu bắt buộc thấp hơn quy định, mua xăng dầu từ các công ty con của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, mua xăng dầu từ thương nhân phân phối, không báo cáo đăng ký hệ thống phân phối…

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp phép, giấy xác nhận nhận chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại. Từ năm 2017 đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%.

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và doanh nghiệp phân phối xăng dầu chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý.

Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

Thanh tra Chính phủ xác định, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối.

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bo-cong-thuong-kiem-tra-dieu-kien-cap-giay-phep-kinh-doanh-xuat-nhap-khau-xang-dau-84857.html