Trước tình hình dịch SXH bùng phát mạnh tại Hà Nội, các khoa truyền nhiễm và các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải, tại cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan chiều 10/8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gắt gao truy hỏi: “Các cơ quan, các địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. Tại sao các ca mắc nhiều, tăng mạnh mặc dù đã quyết liệt phòng chống dịch, bệnh nhân nhập viện vẫn có xu hướng tăng, để xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng?”.
Đặc biệt, bà Tiến đã rất gay gắt trước thực tế tại sao qua phân tích số bệnh nhân nhập viện so với số giường bệnh của các bệnh viện có chuyên khoa truyền nhiễm là tương đương nhau nhưng vẫn để bệnh nhân nằm ghép? Nằm hành lang vừa gây hoang mang, vất vả cho người dân vừa tạo nên dư luận không cần thiết.
Lý giải nguyên nhân khiến SXH gia tăng, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù Hà Nội đã và đang áp dụng các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy nhưng do yếu tố khách quan về thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt, đặc biệt vấn đề di cư của người dân gia tăng, nên khiến số ca mắc cũng tăng.
Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch (tại Hà Nội, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất).
Ngoài ra, những năm trước Hà Nội chỉ ghi nhận số ca mắc ở tuýp D 1, 2 nhưng năm nay ghi nhận thêm ca mắc tuýp D4.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng về việc vì sao số người mắc không nhiều mà các bệnh viện quá tải, nằm ghép, nằm hành lang, hội trường vừa tốn kém cho người dân, mà bác sĩ không theo dõi được, không tập trung vào ca nặng và gây hoang mang trong xã hội, ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Thực tế, số người đến khám SXH nhiều, bệnh viện sàng lọc không cho nhập viện nhưng bệnh nhân về vẫn sốt lại đến khám. Một người tái khám 3-5 lần nên bệnh viện luôn đông".
Đại diện bệnh viện Xanh Pôn cũng cho hay, hiện nay ở bệnh viện cứ 5 người làm xét nghiệm SXH thì chỉ có 1 người dương tính.
Trong số dương tính thì không phải ai cũng cần nhập viện. Nhưng nhiều người do quá lo lắng về căn bệnh này nên yêu cầu, thậm chí gây áp lực để được nhập viện, mặc dù bệnh không nặng và đã được thầy thuốc giải thích cặn kẽ.
Trong bối cảnh dịch SXH không có dấu hiệu giảm tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế yêu cầu biện pháp “hạ hỏa” hiện nay là diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt trong từng hộ gia đình.
Trường hợp đã bị bệnh phải đến cơ sở y tế nơi gần nhất để nhận sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ và nhập viện khi cần thiết.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải tăng số lượng đội phun hóa chất, tăng số máy phun tối đa cho Hà Nội. Yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện sốt rét - ký sinh trùng tập trung máy móc, hóa chất cho ngành y tế Hà Nội; đặc biệt là tập huấn cách pha, phun đúng cách cho nhân viên kỹ thuật.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến chiều 10/8, cả nước đã có 80.555 trường hợp mắc SXH với 22 trường hợp tử vong, trong đó 69.085 trường hợp phải nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5% và số tử vong tăng 5 trường hợp. Nếu tính theo số ca mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 trên cả nước, chỉ sau TP.HCM. Toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 ca mắc, trong đó có 7 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016 do dịch đến sớm hơn 3 tháng. Riêng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ 21/7 đến 9/8 đã tiếp nhận 2.027 ca SXH, trong số đó có tới 1.760 ca tại Hà Nội, chiếm 87%. Số ca mắc tuần sau luôn cao hơn tuần trước. |