Trước thông tin về “virus lạ gây viêm cơ tim” và dẫn đến tử vong nhanh chóng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam và qua xác minh thông tin, đơn vị này khẳng định không ghi nhận chủng virus “mới, lạ” gây viêm cơ tim như đồn thổi.

Theo Cục Y tế dự phòng, viêm cơ tim (Myocarditis) là một biến chứng của bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa, dị ứng... gây ra.

Trong nhóm tác nhân nhiễm trùng thì viêm cơ tim có thể là biến chứng của nhiều bệnh do virus, vi khuẩn thông thường gây nên như virus cúm, Coxsackie, EV71, virus sốt xuất huyết Dengue, Adeno, Herpes, sởi, rubella, vi khuẩn thương hàn, bạch hầu…

Như vậy, bệnh viêm cơ tim chỉ là hậu quả của một bệnh nhiễm trùng khác gây nên chứ không có một loại virus riêng biệt nào là virus viêm cơ.

Hình ảnh tim bình thường và tim bị viêm cơ

Biểu hiện bệnh viêm cơ tim diễn biến cũng hết sức đa dạng. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ rối loạn chức năng tim, nếu viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu, có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đau ngực nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức.

"Khoảng 30% số bệnh nhân sau đó phát triển bệnh cơ tim giãn. Sốc tim có thể xảy ra trong các trường hợp viêm cơ tim tối cấp nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Không có sự khác biệt về chủng tộc, giới tính. Các nhóm dễ mắc bệnh bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch và trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh). Bệnh ít gặp, các trường hợp mắc bệnh thường tản phát, riêng lẻ”, Cục Y tế dự phòng nêu rõ.

Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi có những triệu chứng như đau ngực và khó thở, có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thống kê trên toàn thế giới, bệnh viêm cơ tim gây ra cái chết cho 294.000 người từ năm 1990 tăng lên đến 354.000 người năm 2015. Không có phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, một số lời khuyên sau đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm cơ tim:

- Thực hiện vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

- Tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng bị nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV, tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp.

- Giảm thiểu tiếp xúc với côn trùng: Nếu bạn có thời gian ở những vùng tiếp xúc với côn trùng hãy mặc áo sơ mi dài tay và quần dài để che càng nhiều da càng tốt. Áp dụng đánh dấu hoặc thuốc chống côn trùng có chứa DEET.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh: Luôn cập nhật về các loại vắc xin được khuyến nghị, bao gồm cả những loại vắc xin bảo vệ chống lại rubella và cúm - những bệnh có thể gây viêm cơ tim.

- Hạn chế tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh giống như virus hoặc cúm cho đến khi họ bình phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mạn tính.


Theo Công lý