Theo đó, chiều qua (4/12), Thủ tướng chủ trì hội nghị về BOT Cai Lậy và đã mời tỉnh Tiền Giang, cùng lãnh đạo các bộ ngành liên quan dự họp. Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm, Văn phòng Chính phủ cho biết, quan điểm của Thủ tướng là chủ trương về BOT nhất quán để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện những gì chưa đúng thì cơ quan chức năng phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân, những gì thuộc quy định cũ, những gì chưa hợp lòng dân phải lắng nghe, phải xem xét nghiêm túc và xử lý với tinh thần tôn trọng nhân dân.
Riêng với BOT Cai Lậy, Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thu phí 1 tháng và giao cho Bộ GTVT đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang để xử lý cụ thể.
Trước đó, sáng 1/12, liên quan đến tình hình căng thẳng ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có báo cáo tổng hợp về BOT trình Thường trực Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh không để kéo dài tình trạng tại trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang.
Chiều 1/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trả lời: Tháng 8/2017, khi trạm thu phí BOT Cai Lậy dừng, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ dự án này, đặc biệt là dựa vào kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ GTVT. Kết quả, thủ tục đầu tư dự án này không sai.
Cũng tại cuộc họp chiều 4/12, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến tránh Cai Lậy là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT. Đây là các dự án được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông.
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm tra dự án này và hiện Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc.
Những ngày qua, trạm thu phí BOT Cai Lậy luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Ảnh: VnExpress
Kể từ khi thu phí trở lại vào ngày 30/11, BOT Cai Lậy liên tục gặp phải sự phản đối của các tài xế cũng như của người dân. Các tài xế đã sử dụng tiền lẻ, tiền chẵn và các biện pháp "đấu tranh" khác để phản đối trạm thu phí. Để đối phó lại với các chiêu thức của tài xế, BOT Cai Lậy đã liên tục thực hiện "xả - thu" khiến cho tình hình càng trở nên hỗn loạn.
Trong một diễn biến khác liên quan đến BOT Cai Lậy, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã có báo cáo khẩn về Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an đề nghị chỉ đạo để sớm ổn định tình hình tại trạm BOT Cai Lậy.
Tại địa phương, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành phối hợp với nhà đầu tư đảm bảo an ninh trật tự, ATGT ở khu vực trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Cũng theo ông Tuấn,"Ban đầu khi đề xuất Bộ GTVT đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang đề nghị dùng ngân sách đầu tư giống như tuyến tránh qua TP Tân An (Long An) và TP Vĩnh Long (Vĩnh Long). Tuy nhiên, do ngân sách không bố trí được nên Bộ GTVT mới quyết định đầu tư bằng hình thức BOT và được phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý".
"Khi đó không ai lường được sự việc sẽ như hiện tại, đương nhiên, tỉnh cũng có một phần trách nhiệm trong vụ việc này", ông Tuấn thừa nhận.
Vềthông tin cho rằng BOT Cai Lậy thu phí theo mức giá được HĐND tỉnh thông qua, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang bác bỏ và cho biết:"Tỉnh Tiền Giang chỉ tham gia hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện dự án chứ không thông qua biểu giá thu phí, cũng không có ý kiến về việc thu hay dừng. Việc thu phí BOT Cai Lậy được thực hiện theo quyết định số 4173/QĐ-BGTVT ngày 19-12-2013 của Bộ GT-VT phê duyệt dự án BOT Cai Lậy. Còn mức thu phí căn cứ quy định tại thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính".