Một số khu vực sẽ cắt lỗ

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, đối với thị trường nhà ở, nguồn hàng cả nước tăng so với quý I/2020. Cụ thể tại Hà Nội dự kiến sẽ có 6.000 - 7.000 sản phẩm với đa dạng các phân khúc sẽ chào hàng thị trường. Trong đó khu vực Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất.

Tại TP.HCM, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 8.000 - 10.000 sản phẩm. Hứa hẹn một thị trường chất lượng hơn cho hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.

Về nguồn cầu nhà ở, tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn các địa phương khác. Phân khúc căn hộ trung cấp loại căn hộ có 2 phòng ngủ tiếp tục được giao dịch nhiều nhất. Bên cạnh đó, đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

Nhận định về giá bất động sản thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được giữ nguyên, dự kiến những sản phẩm mới ra giai đoạn này có thể xây dựng được mức giá bán phù hợp hơn. Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện hiện tượng giảm giá, cắt lỗ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản  Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản  Việt Nam

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đính dự báo trong quý II/2021 nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn, đa dạng dịch vụ, chất lượng cao, nhiều đại đô thị du lịch hoành tráng được hoàn thành và đi vào hoạt động.

Điều này chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy hiệu quả ngành kinh tế du lịch cho Việt Nam, tạo một lực hút mạnh các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản du lịch. Đặc biệt, các dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm như Sonasea Vân đồn, Grand World, Nova World,… sẽ giao dịch tốt hơn.

Ở phân khúc bất động sản công nghiệp, nhu cầu sử dụng trong nước sẽ tiếp tục tăng. Nhiều khu công nghiệp mới tiếp tục tham gia thị trường và sẽ có nhiều dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp sẽ được phê duyệt.

Cùng với đó, nhiều dự án logicstic phục vụ khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển. Giá cho thuê mặt bằng kho bãi, nhà xưởng tiếp tục ổn định.

Với bất động sản văn phòng và thương mại, trong quý 1/2021, do kinh tế giữ nhịp tăng trưởng, vốn FDI tăng và SIC của các doanh nghiệp trong nước được phục hồi tốt nên thị trường văn phòng cho thuê tại các đô thị lớn ở Việt Nam sôi động trở lại trong đầu năm 2021. Khu vực cửa hàng, cửa hiệu thương mại cũng cho thấy có sự tăng trưởng sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2021. Khoảng 50% các cửa hàng đóng cửa trong năm 2020 đã hoạt động trở lại.

Dự báo trong quý II/2021, hoạt động cho thuê mặt bằng sẽ tiếp tục trên đà phục hồi. Ông Đính khuyến cáo các chủ mặt bằng không nên tăng giá thuê, thậm chí nên hỗ trợ khách thuê để thúc đẩy quá trình phục hồi bền vững của các doanh nghiệp thương mại.

Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I.
Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I.

Nhà đầu tư nhìn về tương lai dài hạn

Là đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội cũng cho hay: "Trước hiện trạng sốt nóng tại nhiều địa phương trong quý I thì thời gian tới các địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn. Sau khi sốt ảo được kiểm soát, có thể nhóm đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường, giá bất động sản sẽ ổn định. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư, trước mỗi thông tin thị trường cần cân nhắc kỹ tính xác thực của thông tin, nghiên cứu thận trọng về thị trường bất động sản tại địa phương, khu vực định đầu tư để có mức kỳ vọng hợp lý và giảm thiểu rủi ro khi đưa ra quyết định".

Đặc biệt, với thị trường khách sạn, bà An cho hay thị trường này đã có những tín hiệu mới sau một thời gian rất khó khăn dưới tác động của dịch bệnh. Nhiều điểm du lịch đã bắt đầu đón lượng khách trong nước dần quay trở lại, phần nào giúp cho các khách sạn giảm bớt khó khăn.

Tuy nhiên, việc giảm sút công suất phòng, cũng như việc thị trường chưa hồi phục hoàn toàn đã và đang khiến cho nhiều khách sạn phải tái cơ cấu, đóng cửa, hoặc chỉ duy trì một phần hoạt động, nhất là các khách sạn có tiềm lực tài chính không quá lớn. Trong bối cảnh này, một số nhà đầu tư có tài sản là khách sạn phải cân nhắc việc cơ cấu lại danh mục để cân đối nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao hơn. 

Đặc biệt, các nhà đầu tư mong muốn gia nhập thị trường khách sạn đang nhìn thấy các tiềm năng trung và dài hạn của bất động sản du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều dấu hiệu sớm được kiểm soát trên phương diện quốc tế khi vắc xin được áp dụng đại trà. Đây sẽ là thời điểm các nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các cơ hội mua lại tài sản khách sạn tại các địa phương có nhiều triển vọng phục hồi du lịch sớm trong thời điểm này. Xu hướng M&A sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II/2021 và cả năm 2021.

Nếu tình hình tiếp tục được kiểm soát tốt, thị trường có thể hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ đến từ khách du lịch trong nước từ giờ tới hết năm, do nguồn khách du lịch trong nước chiếm tới khoảng 80% tổng lượng khách du lịch trước giai đoạn đại dịch.

Tuy nhiên, bà An cho hay, với các khách sạn và điểm nghỉ dưỡng phụ thuộc vào nguồn khách chính là khách nước ngoài thì sự phục hồi hoàn toàn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, trong quý II và các quý tiếp theo cần cơ cấu lại để hướng tới đối tượng khách du lịch trong nước. Chỉ khi nào các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại đón khách quốc tế thì khối khách sạn này mới có thể phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch.

 

Theo An Vũ/Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/buc-tranh-bat-dong-san-quy-ii-2021-noi-cat-lo-noi-hoi-phuc-20201224000003199.html