Điện thoại gập Samsung Galaxy Fold

Điện thoại gập của Samsung phải thu hồi

Samsung đã tung ra thị trường chiếc điện thoại di động mới Galaxy Fold với màn hình cảm ứng có thể gập gọn. Tuy nhiên, ngay khi vào tay các nhà phê bình, màn hình đã bị hỏng. Nguyên do màn hình có một lớp màng bảo vệ và nếu như bóc tấm màng bảo vệ này ra thì màn hình sẽ gặp vấn đề ngay lập tức.

Samsung đã ra tuyên bố thu hồi lại tất cả các bản dùng thử Galaxy Fold dành cho các chuyên gia đánh giá, blogger, nhà báo trên toàn cầu. Đồng thời, Samsung cũng quyết định dừng ngay việc ra mắt sản phẩm này. Đó là khởi đầu tồi tệ của Samsung nói riêng và những hãng công nghệ có ý định sản xuất điện thoại gập.

Vấn đề về Apple Facetime

Tính năng Facetime luôn là niềm tự hào của Apple nhưng họ đã làm người dùng phải thất vọng khi bị phát hiện dính lỗi bảo mật kém. Lỗi bảo mật nguy hiểm này được một cậu bé 14 tuổi sống tại bang Arizona (Mỹ) phát hiện khi cậu đang FaceTime cùng bạn bè, cậu đã vô tình nghe thấy những câu trao đổi của bạn mình với người xung quanh, mặc dù cậu bạn này chưa hề trả lời cuộc gọi.

"Gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đã chính thức đưa ra lời xin lỗi tới khách hàng liên quan sự cố bảo mật của ứng dụng FaceTime và hứa hẹn sẽ sửa lỗi nhưng không nhiều người không còn đặt lòng tin vào độ bảo mật của hãng nữa.

Whatsapp để lộ lỗ hổng

Whatsapp có nguy cơ để lộ dữ liệu cá nhân

Whatsapp phải đối mặt với hacker trong năm vừa qua. Một số tin tặc đã có thể xâm nhập vào tài khoản WhatsApp của người dùng (Android và iOS). Hacker cài đặt phần mềm theo dõi bằng cách gọi điện cho nạn nhân, sử dụng chức năng hội thoại của WhatsApp. Từ đó, chúng có thể truy cập thông tin bao gồm dữ liệu vị trí và tin nhắn riêng tư.

Về phần WhatsApp, công ty không thông báo trực tiếp cho người dùng về vấn đề này và cũng không khuyến cáo người dùng phải cập nhật phần mềm trên Apple App Store hay Google Play Store để "vá" lỗ hổng. Thay vào đó, WhatsApp chỉ đưa ra thông cáo báo chí kêu gọi người dùng cập nhật lên phiên bản mới nhất của ứng dụng cũng như hệ điều hành của thiết bị đang sử dụng nhằm đảm bảo tính bảo mật tránh bị mất cắp thông tin.

Thiết bị gọi video Portal của Facebook

Hồi tháng 3 vừa rồi, Facebook đã ra mắt Portal - một thiết bị hỗ trợ liên lạc và gọi video cá nhân do chính công ty này phát triển. Thời điểm đó, nhân viên Facebook đã đinh ninh rằng thiết bị này sẽ được đánh giá cao.

Tuy nhiên, đa phần ý kiến cho rằng thiết bị này thật tồi tệ và hầu hết những tiện ích mà Portal mang tới cho người dùng không hoàn toàn mới, chúng đều có thể được thực hiện thông qua máy tính cá nhân, table hay điện thoại thông minh một cách khá dễ dàng. Từ những hình ảnh đầu tiên, dễ dàng nhận ra rằng Portal có diện mạo khá đơn giản, gồm một màn hình kết hợp cùng camera trước tích hợp trí tuệ nhân tạo AI.

Dù Portal còn hỗ trợ các dịch vụ như Facebook Watch, Food Network, Spotify, Pandora, iHeart Radio, Newsy…, song thiết bị này không đi kèm với trình duyệt web, không YouTube, WhatsApp, Instagram, cũng như không có khả năng đọc các tin nhắn văn bản của Messenger, vì vậy nó không hề tiện lợi và ưu việt.

“Thảm họa” iOS 13

iOS 13 bị kêu ca lỗi liên tục

Ngày 16/10 vừa qua, Apple đã phải phát hành iOS 13.1.3, bản nâng cấp thứ 3 chỉ trong vòng một tháng sau khi iOS 13 chính thức được trình làng, để khắc phục lại các lỗi gặp phải trên các phiên bản iOS 13 trước đó.

Apple đã chính thức phát hành nền tảng iOS 13 đến người dùng vào ngày 20/9 vừa qua nhưng chỉ 5 ngày sau, Apple đã phải tiếp tục phát hành bản nâng cấp iOS 13.1 để sửa lại một số lỗi. Đến ngày 27/9, Apple lại tiếp tục phát hành bản cập nhật iOS 13.1.1 và đến ngày 30/9, Apple đã phải tiếp tục phát hành bản cập nhật iOS 13.1.2 đến người dùng để khắc phục tiếp một số lỗi gặp phải trên nền tảng iOS. Đến ngày 16/10, Apple lại tiếp tục phát hành bản nâng cấp iOS 13.1.3.

Có vẻ như hiện các lỗi gặp phải trên nền tảng iOS 13 vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. Có thể gọi iOS 13 là một phiên bản “thảm họa” vì các lỗi gặp phải. Tuy nhiên, không lâu sau khi phiên bản mới này được phát hành, nhiều người dùng iPhone 11, 11 Pro và 11 Pro Max cho biết thiết bị của họ vẫn tiếp tục bị lỗi.

Đồng tiền mã hóa Libra bị "sờ gáy"

Đồng tiền mã hóa Libra mà Facebook kỳ vọng tạo ra một đồng tiền toàn cầu đã thất bại nặng nề. Facebook rất kỳ vọng vào Libra - dự án do mạng xã hội này dẫn đầu với 28 đối tác khác, sẽ giúp không chỉ hơn 2 tỷ thành viên mạng xã hội này mà hàng tỷ người ở khắp nơi trên thế giới có thể thanh toán trực tuyến và giao dịch quốc tế dễ dàng, nhanh chóng và chi phí thấp, chỉ với một chiếc smartphone và kết nối Internet.

Đồng tiền kỳ vọng của Facebook bị sập

Thế nhưng, dự án ngay lập tức vấp phải hoài nghi và chỉ trích từ chính trị gia, các nhà quản lý về tính khả thi của nó, nhất là khi nó dựa trên nền tiền mã hóa - một công nghệ vốn đang gặp phải nhiều vấn đề. Chẳng thế mà “ông chủ” Facebook Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về Libra, và chỉ 4 tháng sau khi công bố dự án, 1/4 trong số 28 thành viên sáng lập ban đầu đã rút lui, trong đó có những tên tuổi lớn liên quan đến thanh toán điện tử như PayPal, Visa và Mastercard.

Tuy rằng, bức tranh công nghệ của năm vừa qua không quá sáng nhưng chúng ta vẫn có thể tin tưởng trong tương lai công nghệ sẽ làm nên chuyện trong tương lai. Bằng chứng là còn có những điểm sáng để nhắc về năm 2019. Đó là sự đầu tư nghiêm túc vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo báo cáo AI Index 2019, tổng lượng đầu tư của lĩnh vực tư nhân vào AI trong năm nay đạt hơn 70 tỷ USD. Hơn 10.000 công ty về AI đã được thành lập từ năm 2015, và các startup nghiên cứu AI trong năm 2019 đã nhận được 37 tỷ USD đầu tư. Hay như án phạt dành cho các "ông lớn" công nghệ để kinh doanh lành mạnh hơn: Apple 14,5 tỷ USD vì trốn thuế ở Ireland hay phạt Google 9 tỷ USD vì vi phạm luật cạnh tranh...

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới