Hành trình của Grab

Trong sự kiện thường niên Startup Việt 2019 với chủ đề "Hành trình kỳ lân" được tổ chức tại báo VNExpress, Bà Aditi Sharma - Giám đốc của Grab Ventures kể lại cách đây 7 năm (7/2012), doanh nghiệp này còn rất nhỏ, văn phòng là một tầng trong căn nhà mượn từ một người bạn. Tới nay, Grab Ventures đã trở thành một ứng dụng giải quyết vấn đề di chuyển an toàn không chỉ tại Kuala Lumpur mà tới 339 thành phố. Ngoài gọi xe, công ty hiện đã có ứng dụng giao thực phẩm, mua hàng hoá tại các cửa hiệu và phát triển các nền tảng khác như ví điện tử.

Tại Việt Nam, Grab đã có mặt tại 43 thành phố, hợp tác với Shoppee, Lotte Mart... trở thành ứng dụng hậu cần, giao hàng cho các nhà bán hàng lớn, đứng top đầu và chiếm 70% lượng người dùng. Đầu năm nay, Grab cam kết rót thêm 500 triệu USD vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các ngành tài chính, hậu cần, logistics, công nghệ.

Bà Aditi Sharma - Giám đốc của Grab Ventures 

Đại diện Grab Ventures nhận định Việt Nam đang là trung tâm công nghệ mới trong khu vực với các nhân sự trẻ tài năng. Do đó, bà Aditi Sharma nhìn thấy cơ hội tốt để làm việc với những nhà sáng lập Việt Nam. Grab cũng sẽ công bố chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ tài chính, dịch vụ mà còn là những kinh nghiệm, chiến lược...

Grab cũng đang làm việc với 10 startup, chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là trao quyền cho nông dân, đưa thực phẩm tới tận bàn ăn như rau củ quả, thịt tươi. Nhóm 2 là trao quyền cho doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ các cửa hàng tạp hoá qua dịch vụ giao nhận nhanh, tài chính.

Công thức tạo nên "kỳ lân"

Bà Lê Huỳnh Kim Ngân - Sáng lập và CEO Twenty.vn cho biết Đông Nam Á hiện có những "kỳ lân" quen thuộc như Grab, Traveloka, Go Jek, Sea Group, Razer. Việt Nam có VNG, dự báo là VNPay... Đây là những công ty được định giá hơn một tỷ USD, trong đó có 2 công ty đã lên sàn là Sea Group và Razer vào năm 2017.

Một số điểm chung của kỳ lân, theo bà Ngân, đầu tiên là người sáng lập tốt, có phẩm chất tốt như hết mình với công việc, với sản phẩm; cần tư duy cởi mở, học hỏi từ nhiều nơi, nhiều người và sẵn sàng thử sức với những thách thức mới.

Thứ 2 là tầm quan trọng của mô hình kinh doanh. Đa số các kỳ lân đều tập trung xây dựng mô hình kinh doanh trước và xây dựng tiếp sản phẩm dựa trên mô hình kinh doanh đó. Tuy nhiên tư duy đúng thì nên ngược lại. Bà Ngân cho rằng nên trả lời câu hỏi làm gì để kiếm tiền trước, rồi sau đó mới triển khai lộ trình phát triển sản phẩm, thu hút người dùng, từng bước khai thác mô hình kinh doanh hiệu quả.

Thứ 3 là tư duy cởi mở và thứ 4 là vai trò của tăng trưởng nhanh, cần tập trung vào gia tăng giá trị cho khách hàng. Một trường hợp điển hình mà bà Ngân chia sẻ là Shopee. Cách đây vài năm, Shopee hầu như không quảng cáo nhưng ngầm sau đó, họ lại có chính sách miễn phí vận chuyển cho khách hàng. Nhờ đó người tiêu dùng, chủ cửa hàng thích Shopee và đều khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng nền tảng thương mại điện tử này. 

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới