Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Traphaco (HOSE: TRA) cho biết công ty tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, với 571 tỷ đồng doanh thu, tăng 27%; lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 1.596 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 195,9 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống dịch COVID-19, lợi nhuận Công ty Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (HOSE: DMC) cũng tăng gần một nửa.
Trong quý III, Domesco đạt gần 388 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17%; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 39 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Domesco đạt hơn 1.040 tỷ đồng doanh thu và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) cũng duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 299 tỷ đồng, tăng 40% so với quý III/2020. Lợi nhuận công ty đạt 117 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 79 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, OPC ghi nhận 774 tỷ doanh thu, tăng 15% và 89,5 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 77 tỷ cùng kỳ.
Song, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm mạnh.
CTCP Dược Hà Tây (HOSE: DHT) báo lợi nhuận đi lùi do nguyên liệu tăng giá mạnh.
Doanh thu thuần quý III đạt 325 tỷ đồng, giảm 31,2%; lợi nhuận sau thuế 9,2 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với quý III năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu Dược Hà Tây đạt 1.163 tỷ đồng, giảm 16,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 63,6 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ cùng ngoái.
Doanh thu thuần quý III của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, giảm tới 38,5% so với cùng kỳ. Lý giải về kết quả kinh doanh biến động trên 10%, ban lãnh đạo công ty cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường ngưng trệ khiến doanh thu giảm và các chi phí gia tăng.
Việc giãn cách xã hội trên diện rộng khiến người dân có tâm lý ngại đến bệnh viện và các trình dược viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, phân phối hàng hóa.
Hiện, hầu hết các doanh nghiệp dược đều nhập nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ được dự báo có khả năng trải qua lần bùng phát thứ 4 trong quý IV. Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ đứt gãy nếu Ấn Độ tái áp dụng các lệnh giãn cách và giá thuốc sẽ có xu hướng tăng do giá nguyên liệu tăng.
Các doanh nghiệp dược phải đối phó với thách thức kép là vừa phải đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh trong mùa dịch, vừa phải có các chiến lược tồn kho hợp lý khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều biến động.
Nguồn: https://congly.vn/buc-tranh-kinh-doanh-doi-lap-cua-nganh-duoc-pham-198125.html