Nga khẳng định vaccine Sputnik V có hiệu quả tới 92%. Ảnh minh họa

Vắc xin Sputnik V của Nga có hiệu quả tới 92% trong việc bảo vệ con người khỏi lây nhiễm dịch bệnh COVID-19- là khẳng định được Quỹ đầu tư Nga đưa ra hôm nay dựa trên kết quả thử nghiệm từ 16 nghìn người đã tiêm 2 mũi vaccine Sputnik V.

Như vậy, mức độ hiệu quả Sputnik V theo phía Nga công bố cao hơn mức hiệu quả 90% từ vắc xin của hãng Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển.

Nga đã đăng ký Sputnik V vào tháng 8 và là quốc gia đầu tiên tuyên bố phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19. Vắc xin Sputnik V được điều chế để kích hoạt phản ứng miễn dịch từ hai mũi tiêm cách nhau 21 ngày.

Với thành công này, Nga dự dịnh sẽ tiến hành chiến dịch tiêm chủng loại vaccine trên quy mô lớn trong những tuần tới.

Vào ngày 15/10 tới, Nga dự định sẽ đăng ký thêm một vắc xin phòng COVID-19 nữa. Nga cũng có kế hoạch sản xuất vaccine ở Ấn Độ và Brazil để cung cấp cho thế giới.

Trong lúc này, hơn 180 nước đã cam kết tham gia sáng kiến đảm bảo tài chính để cung cấp vắc xin công bằng cho cả nước giàu lẫn nước nghèo. Sáng kiến này do Tổ chức Y tế thế giới điều hành.

Trước đó, ngày 9/11 (giờ địa phương), liên minh Pfizer và BioNTech (Mỹ và Đức) là đơn vị đầu tiên công bố kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 đạt hiệu quả ngăn ngừa 90%. Tuy nhiên họ vẫn chưa công bố dữ liệu thử nghiệm.

 Đến nay chỉ có các kết quả thử nghiệm ở giai đoạn 1 và/hoặc giai đoạn 2 được công bố trên các tạp chí khoa học.

Ví dụ nghiên cứu vắc xin của Sinopharm đã đăng trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases hoặc các nghiên cứu vắc xin của Nga, Đại học Oxford, CanSino và Moderna.

Ngày 10/11, Brazil thông báo dừng thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin CoronaVac do phòng thí nghiệm Sinovac Biotech (Trung Quốc) sản xuất sau khi một người tình nguyện gặp sự cố nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, Sinovac Biotech ra thông báo "tự tin vào mức độ an toàn của vắc xin" và sự cố ở Brazil không liên quan đến vắc xin.

Đánh giá chung kết quả thử nghiệm trên thế giới đều đáng khích lệ, chứng tỏ vắc xin ngừa COVID-19 không gây tác dụng phụ nghiêm trọng và đã tạo được phản ứng miễn dịch tốt.

Các nhà nghiên cứu ước tính phải mất 18 tháng nữa mới có sẵn vắc xin để tiêm phòng đại trà.

Trao đổi với hãng tin AFP, GS miễn dịch học Alain Fischer tại Bệnh viện Necker ở Paris (Pháp) ghi nhận thông báo hôm 9/11 của Pfizer và BioNTech mang lại hy vọng nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định sẽ có vắc xin ngừa COVID-19 thực sự hiệu quả.

Theo Công luận