Covid-19 khiến doanh nghiệp dệt may kinh doanh ảm đạm
Khép lại quý I/2021, Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% và lãi ròng giảm không phanh 92%, xuống còn 306 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Theo GMC, do tình hình dịch Covid-19 nên số lượng đơn đặt hàng của một số khách hàng giảm. Bên cạnh đó, Công ty phải nhận thêm mặt hàng gia công nội địa nên doanh số xuất khẩu giảm.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cũng không ngoại lệ khi doanh thu đạt 3.377 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ròng hơn 99 tỷ đồng, giảm 12%.
Tương tự, Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) ghi nhận doanh thu quý I/2021 tăng 18% so với cùng kỳ do các đơn hàng sản xuất quý IV/2020 đã xuất vào quý I/2021. Tuy nhiên, lãi ròng của TNG lại đi lùi 34%, ghi nhận 22 tỷ đồng.
TNG cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đối với các đơn hàng mới ký với khách hàng trong quý I, mặc dù số lượng sản phẩm tuy nhiều nhưng đơn giá thấp hơn so với cùng kỳ từ 5 - 10%; trong khi các chi phí đầu vào, chi phí phải trả người lao động không giảm, dẫn đến chi phí cho một sản phẩm tăng so với cùng kỳ.
May mặc Bình Dương (BDG) cho biết, do tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu vẫn còn căng thẳng, khách hành Olymp giảm sản lượng 43% so với cùng kỳ làm cho doanh thu xuất khẩu sụt giảm. Kết quả, công ty ghi nhận doanh thu giảm 4% xuống còn 307 tỷ đồng, lãi ròng giảm 14% còn 21 tỷ đồng.
Tiếp đến, Garmex Saigon, Dệt may Hòa Thọ, Fortex cũng có doanh thu giảm lần lượt 18%, 27% và 29% so với cùng kỳ. Trong đó, Fortex tiếp tục ghi nhận mức doanh thu sụt giảm mạnh, trước đây mỗi quý doanh nghiệp này có doanh thu 3 con số, cả năm đạt 4 con số thì trong 5 quý gần đây chỉ có vài tỷ đến vài chục tỷ đồng doanh thu.
Nhiều doanh nghiệp báo lỗ nặng
Tổng Công ty May Nhà Bè (MNB) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay vẫn còn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và toàn thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu chủ lực của Tổng công ty và các công ty con, công ty liên kết. Vì vậy doanh thu quý I giảm mạnh, dẫn đến thua lỗ.
Cụ thể, trong quý I/2021, MNB ghi nhận doanh thu thuần đạt 658,6 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp đạt hơn 101 tỷ đồng giảm 42% so với quý I/2020.
Trong kỳ, MNB có 6,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, các khoản chi phí đồng loạt giảm đáng kể so với cùng kỳ nhưng do lãi gộp ở mức thấp nên kết quả LNST âm gần 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 2,3 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh, lỗ quý thứ 9 liên tiếp đã nâng tổng lỗ lũy kế của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) lên gần 244 tỷ đồng. Nếu không tắt cơ chế lỗ trong năm 2021, cổ phiếu FTM sẽ buộc phải rời sàn.
Tệ hơn nữa, Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT) không chỉ tiếp tục ghi nhận lỗ trong quý đầu năm mà mới đây, HNX đã ra thông báo chính thức về việc cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết kể từ ngày 25/05. Nguyên nhân bị hủy niêm yết là do đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2020.
Vẫn có doanh nghiệp dệt may duy trì tăng trưởng
Mặc dù đa phần các doanh nghiệp dệt may gặp khó về nguồn thu, tuy nhiên lợi nhuận lại khả quan so với cùng kỳ.
Theo đó, quý I/2021, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng trưởng, lần lượt đạt 946 tỷ đồng (tăng 20%) và 62 tỷ đồng (tăng 83%).
Tương tự, Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) báo lãi ròng quý I/2021 tăng 66% so với cùng kỳ, đạt 71 tỷ đồng, thực hiện được 39% mục tiêu đề ra trong năm 2021.
CTCP May Sông Hồng (MSH) báo doanh thu thuần trong quý I đạt 945 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ tiết kiệm chi phí và giảm giá vốn mà lợi nhuận trước thuế của MSH đạt 116 tỷ đồng, tăng 47%; lợi nhuận sau thuế đạt 92 tỷ đồng, tăng 44% so với quý I/2020.
Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng báo lãi quý I tăng 35%, đạt 70 tỷ đồng bất chấp doanh thu đi lùi. Đây cũng là quý báo lãi kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn (30/09/2015). Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ lãi gộp và do chi phí lãi vay, chênh lệch tỷ giá của hoạt động đầu tư ngắn, dài hạn cùng kỳ năm trước khá cao.
Cùng kỳ năm ngoái, Damsan, EVE và May Việt Tiến là những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, trong quý này, EVE nhờ tiết kiệm chi phí mà có lãi hơn 4,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 11,7 tỷ đồng. May Việt Tiến có lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng trong khi quý I năm ngoái lỗ gần 21 tỷ đồng. Damsan mặc dù doanh thu thuần đạt 314 tỷ đồng chỉ tăng 6% nhưng giờ tiết kiệm chi phí nên LNST công ty mẹ gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ công ty mẹ chịu lỗ gần 2,4 tỷ đồng.
Nguồn: https://congluan.vn/buc-tranh-kinh-doanh-tuong-phan-nganh-det-may-quy-1-2021-post133942.html