Như thế nào là cà phê "tươi"?
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm:
"Khi nói đến đồ ăn hay đồ uống tươi thì ai cũng nghĩ chúng phải được chế biến từ nguyên liệu thực phẩm tươi sống. Thực phẩm tươi sống là các loại thực phẩm chưa qua chế biến như: thịt, cá, hải sản... Với các loại rau tươi hay quả tươi thì khi xay, nghiền thành nước để uống trực tiếp thì được gọi là nước rau tươi, nước ép quả tươi. Với cà phê thì chỉ có khái niệm cà phê an toàn, cà phê hữu cơ - organic (được trồng và chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn theo tiêu chuẩn), hay gần đây có thêm khái niệm "cà phê bẩn" chỉ những loại cà phê bị pha tạp, nhiễm hóa chất độc hại chứ chưa có khái niệm "cà phê tươi".
"Việc dùng từ "tươi" để chỉ cà phê có thể khiến nhiều người hiểu lầm, hiểu sai về một sản phẩm được làm từ hạt cà phê tươi vẫn còn chứa nước và chưa qua chế biến. Đã là cà phê qua chế biến, dù có giữ lại hương vị bằng công nghệ trích ly, cô đặc cũng không thể gọi là cà phê "tươi" được. Công nghệ cao và sản phẩm hữu cơ là hoàn toàn khác nhau.", PGS.TS Duy Thịnh cho biết thêm.
Trong khi đó, cà phê hòa tan hay cà phê uống liền là loại đồ uống bắt nguồn từ cà phê dưới dạng bột cà phê và đã được nêm nếm sẵn theo khẩu vị, được chế biến bằng các phương pháp rang, xay, sấy khô.
Khi cho ra mắt dòng sản phẩm Cà phê Sữa đá tươi, Nuticafe khẳng định đây là sự kết hợp từ công nghệ Ice Flash trích ly cô đặc cà phê với nhiệt độ 0°C, tức là quá trình tách nước dưới dạng tinh thể đá để làm đặc dịch cà phê trước khi sấy cùng với cà phê hạt rang xay thật nhuyễn, với kích thước khoảng 100 µm. Khi kết hợp với bột kem sữa sẽ tạo ra ly cà phê vẫn giữ được vị tươi và mùi thơm tự nhiên của cà phê rang xay pha phin với sữa đặc.
Tuy nhiên, công nghệ trích ly cô đặc chỉ nhằm giữ được hương vị chứ không phải là điểm mấu chốt để khẳng định đây là sản phẩm cà phê "tươi". Khái niệm mới này được đưa ra có thể để thu hút sự chú ý của khách hàng và cũng là một cách Pr dòng sản phẩm mới nhằm mục đích kinh doanh.
Liệu cà phê "tươi" có chỗ đứng trên thị trường hay không?
Hiện nay, Việt Nam là cường quốc cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao từ các vùng trồng cà phê, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn loại cà phê mình yêu thích và thưởng thức theo cách riêng.
Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng của các thương hiệu lớn như Trung Nguyên Legend, Highlands, Cà phê Cộng... phân bố dày đặc trên khắp đất nước và chưa kể vô vàn các quán cà phê lớn nhỏ, các xe cà phê dạo vỉa hè... thì liệu sản phẩm cà phê hòa tan được gọi là "cà phê tươi" này liệu có được người tiêu dùng lựa chọn và ưa chuộng?
Vì thói quen uống cà phê chậm rãi với đá dường như là nét đặc trưng riêng có của Việt Nam. Nếu cà phê hòa tan mà lại có hương vị như cà phê pha phin sữa đá thì đúng là vừa ngon lại tiết kiệm chi phí so với uống cà phê trong các quán.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng cà phê hòa tan đóng gói vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian, đặc biệt với những người bận rộn cả ngày. Cà phê hòa tan là lựa chọn của đại đa số giới nhân viên công sở vì có thể bảo quản được lâu và dễ sử dụng.
Nhiều "ông lớn" đã thành công và có doanh thu tốt trong nhiều năm từ khi kinh doanh sản phẩm cà phê hòa tan như: Vinacafe, Nescafe, Trung Nguyên, Maccoffe, Vinamilk Cafe...
Cách đây 5 năm, thương hiệu Cà phê Trung Nguyên cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm "cà phê tươi" với những quảng cáo hấp dẫn: cà phê tươi là nước cốt cà phê nguyên chất được chế xuất ngay tại vùng nguyên liệu cà phê Robusta tốt nhất thế giới, với công nghệ chế biến tiên tiến – công nghệ trích ly chân không Dual – Dual và công nghệ cô đặc, thiết bị hiện đại của CHLB Đức. Trung Nguyên cam kết đưa đến người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng tuyệt hảo mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cà phê. Thế nhưng đến hiện tại một số khách hàng ưa thích sản phẩm này không được tiếp tục thưởng thức vì Trung Nguyên không tiếp tục sản xuất.
Theo thông tin từ Viện Công nghiệp Thực phẩm, hiện nay chưa có tiêu chuẩn đánh giá cà phê hòa tan một cách chi tiết như sản phẩm cà phê bột và cà phê nhân. Việc kiểm định và đánh giá chất lượng chỉ dựa trên thông số các nguyên liệu có trong mẫu sản phẩm, lượng caffein, đường, sữa có trong từng sản phẩm.
Có thể thấy sự đầu tư có chủ đích cụ thể và những ưu thế của Nuticafe khi muốn mang dòng sản phẩm "cà phê tươi" này chinh phục người tiêu dùng. Mặc dù vậy, để từ "tươi" được hiểu đúng bản chất và sản phẩm "cà phê tươi" có thể trở nên quen thuộc hay người tiêu dùng không có cảm giác "bị lừa" thì còn là câu chuyện dài kỳ không chỉ của những người kinh doanh cà phê.
Người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng để quyết định "cà phê tươi" liệu có đững vững được trên thị trường hay không.
Được biết, trong tháng 5/2017, Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood quyết định ký kết hợp tác đầu tư vào Phước An nơi sở hữu gần 1000 ha cây cà phê. Sau hơn 1 năm, NutiFood đã nghiên cứu thành công sản phẩm Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi, chính thức đặt chân vào thị trường cà phê vốn đầy tiềm năng và thử thách.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất thì Nuticafé - Cà Phê Sữa Đá Tươi là sự kết hợp đặc biệt từ công nghệ Ice Flash trích ly cô đặc cà phê với nhiệt độ dưới 0°C, tức là quá trình tách nước dưới dạng tinh thể đá để làm đặc dịch cà phê trước khi sấy cùng với cà phê hạt rang xay thật nhuyễn với kích thước khoảng 100 µm kết hợp với bột kem sữa đã tạo ra ly cà phê vẫn giữ được vị tươi và mùi thơm tự nhiên của cà phê rang xay pha phin với sữa đặc.
Đón đọc bài 2: Cuộc chiến khốc liệt dành thị phần Cafe