Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới và diễn biến ngày càng phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất. Thời điểm này, các bệnh viện đều phân công y, bác sĩ ứng trực 24/24 giờ, tổ chức khu khám cách ly, bảo đảm kiểm soát tốt nhiễm khuẩn để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Chủ động ứng phó
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại các bệnh viện thuộc thành phố Hà Nội, nhất là 5 bệnh viện: Đa khoa Đống Đa, Đa khoa Hà Đông, Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Bắc Thăng Long, được Sở Y tế Hà Nội phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, hiện công tác chuẩn bị cũng như triển khai phòng, chống dịch được thực hiện rất chặt chẽ…
Là đơn vị chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm của ngành Y tế Thủ đô, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã tham gia phòng, chống rất nhiều dịch bệnh, như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, SARS, cúm…, nên với dịch Covid-19, các y, bác sĩ nơi đây luôn trong tâm thế sẵn sàng. Bệnh viện thành lập khu cách ly từ rất sớm với phương châm “phát hiện sớm, cách ly tốt, điều trị hiệu quả”. Không chỉ vậy, bệnh viện đã thiết lập riêng một đường dây nóng để giải đáp những thắc mắc của người dân về Covid-19.
Trong thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã khám và tư vấn cho nhiều trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Khó khăn nhất là các bệnh nhân vào đây đều hoang mang, lo lắng, do đó ngoài chuyên môn, các y, bác sĩ còn kiêm cả vai chuyên gia tâm lý để động viên, trấn an tinh thần người bệnh.
Bác sĩ Trần Ngọc Anh, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện chia sẻ: "Mới đây, bệnh viện tiếp nhận một nữ bệnh nhân hơn 40 tuổi, được Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chuyển đến trong tình trạng sốt, huyết áp tụt. Sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ loại bỏ khả năng nhiễm Covid-19 và nghi ngờ bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Thế nhưng, bệnh nhân nhất quyết đòi về nhà, các bác sĩ phải tìm đủ cách thuyết phục, sau đó bệnh nhân mới chịu hợp tác. Kết quả, đúng là bệnh nhân bị viêm ruột thừa và được xử lý kịp thời…".
Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn chưa tiếp nhận trường hợp nào nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, bệnh viện đã thành lập khu tiếp đón riêng bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tại tòa nhà tầng 1 cách biệt với khu khám bệnh thông thường và nội trú cùng với 6 bác sĩ, 9 điều dưỡng túc trực 24/24 giờ. Bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện đã tổ chức nhiều buổi tập huấn quy trình sàng lọc các bệnh truyền nhiễm, cách ly nguồn bệnh, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế để xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra.
Không chỉ các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, tất cả các bệnh viện còn lại của thành phố đều chủ động chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các tình huống nhằm bảo đảm kiểm soát tốt, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên cho biết, ngoài việc bố trí các kíp trực 24/24 giờ sẵn sàng tiếp nhận, khám và tổ chức cách ly bệnh nhân; tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả các cán bộ y tế về công tác chẩn đoán và điều trị, bệnh viện đã bố trí 8 phòng với 25 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận và cách ly những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để theo dõi trong vòng 14 ngày…
Tiếp tục đề cao cảnh giác
Thành phố Hà Nội hiện vẫn kiểm soát tốt dịch, chưa ghi nhận ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh: "Chúng ta luôn sẵn sàng với 2 tình huống tiếp theo, đó là xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào thành phố và khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Do đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục đề cao cảnh giác, đặc biệt lưu ý những người bệnh có tiền sử trở về từ những nước có số người mắc Covid-19 cao, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italia...".
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, không chỉ cơ sở khám, chữa bệnh công lập mà cả cơ sở tư nhân phải tuân thủ việc bố trí khu vực riêng và tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh ngay tại nơi tiếp đón, trong đó bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp ho, sốt chưa rõ nguyên nhân. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan công an trên địa bàn để quản lý người bệnh và báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh phù hợp.
Những ngày qua, ngành Y tế Thủ đô liên tục tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến về chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành. Tại các buổi tập huấn, Sở Y tế Hà Nội đã mời các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về phác đồ điều trị Covid-19, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói vận chuyển bệnh phẩm, cách phòng, chống lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị, các đơn vị thường xuyên rà soát khu vực cách ly, khu vực cấp cứu, bảo hộ chống dịch, trang thiết bị y tế, thuốc men, dịch truyền… Nếu có khó khăn thì phải báo cáo và đề xuất lập tức. Các đơn vị không chủ quan, mà coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, khống chế, điều trị thật tốt nếu có ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan và đặc biệt không để xảy ra trường hợp tử vong.