Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an về tình hình tai nạn giao thông, ngày 29/12 toàn quốc xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông làm 27 người chết và 15 người bị thương.

Trong đó, đường bộ xảy ra 30 vụ từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 27 người chết, 15 người bị thương; va chạm giao thông đường bộ xảy ra 12 vụ.

Lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã tổ chức tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, phát hiện và lập biên bản 6.582 trường hợp vi phạm.

Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, chiều tối 28/12, người dân đổ ra các bến xe, các tuyến đường cửa ngõ thành phố để về quê nghỉ Tết Dương lịch 2019 nên giao thông khó khăn. Nhiều tuyến đường cửa ngõ ở Hà Nội và TP.HCM mật độ phương tiện tăng rất cao nên xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, khiến các phương tiện phải di chuyển chậm.

 Vụ đâm xe liên hoàn trên QL1 đoạn Phan Rang - Phan Thiết (Bình Thuận) làm 2 người chết, 7 người bị thương.

Vụ đâm xe liên hoàn trên QL1 đoạn Phan Rang - Phan Thiết (Bình Thuận) làm 2 người chết, 7 người bị thương.

Đáng chú ý, rạng sáng 29/12, xảy vụ va chạm giữa xe khách giường nằm và xe tải trên quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bắc Bình (Bình Thuận) làm 2 người tử vong.

Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 28/12, tại ngã ba giao cắt đường Nguyễn Tất Thành với quốc lộ 70, thuộc khu vực tổ 11, thị trấn Yên Bình (tỉnh Yên Bái) cũng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe mô tô khiến 2 mẹ con tử vong tại chỗ.

Không để “10 phút gọi điện cho người thân”

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Phạm Thế Minh (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) cho biết: “27 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch là con số đáng báo động. Trong những ngày nghỉ lễ, Tết, mật độ tham gia giao thông cao nhưng ý thức chấp hành luật an toàn giao thông thấp là chuyện đã được nhắc đến từ năm này qua năm khác.

Nhu cầu về quê, đi chơi của người dân vào những ngày này thì không thể hạn chế được nhưng ý thức chấp hành luật an toàn giao thông vẫn đang bị xem nhẹ. Tiếp đến là vấn đề sử dụng rượu, bia trong các cuộc vui nhưng vẫn cố tình tham gia giao thông dẫn đến những hệ lụy đau lòng”.

“Thực tế, có người khi đi làm việc ở thành phố thì chấp hành luật giao thông khá nghiêm, nhưng khi về quê lại vi phạm do có tâm lý ngày Tết ở quê ít CSGT. Hơn nữa lực lượng chức năng cũng có tâm lý nể nang, không muốn mang lại xui xẻo cho bà con nên thường chỉ nhắc nhở khi phát hiện vi phạm. Đây là nguyên nhân lý giải lượng xử phạt trong ngày Tết có tăng nhưng không nghiêm minh được như ngày bình thường”, ông Minh cho hay.

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 29/12 tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 1 người chết.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 29/12 tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 1 người chết.

Cùng trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, ông Thân Văn Thanh (nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT) nêu quan điểm: “Theo tôi, vấn đề tình hình an toàn giao thông những ngày nghỉ lễ, Tết phức tạp hơn ngày thường đã thành quy luật xã hội bởi vào những ngày này mật độ người tham gia giao thông cao và phức tạp hơn ngày thường.

Đồng thời, những hiện tượng như xe khách chở quá số người quy định, xe máy kẹp ba kẹp bốn không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia rồi sử dụng phương tiện giao thông, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn đang tiếp diễn. Do vậy, số vụ tai nạn giao thông và mất an ninh trật tự vào những ngày này sẽ cao hơn ngày thường”.

“Đa phần các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia. Điều này cũng dễ hiểu bởi dịp nghỉ lễ, Tết, mọi người thường đi chúc nhau, nhiều khi uống quá chén nên tham gia giao thông rất dễ xảy ra tai nạn. Nhất là thanh niên, có lúc hứng lên chở 3-4 rồi lạng lách, đánh võng, trong khi không đội mũ bảo hiểm nên nếu xảy ra va chạm thường bị chấn thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Rất nhiều nạn nhân đã sử dụng rượu bia, không làm chủ được tốc độ nên tự gây tai nạn hoặc tông vào người khác”, ông Thanh lo ngại.

Theo ông Thanh, dù các các cơ quan chức năng đều có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng thực tế ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao. Trong đó có cả nguyên nhân do chính những người thi hành công vụ chưa thực sự làm việc nghiêm túc dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

 TNGT dịp nghỉ lễ luôn là nỗi ám ảnh đối với các y bác sĩ và gia đình người bệnh.

TNGT dịp nghỉ lễ luôn là nỗi ám ảnh đối với các y bác sĩ và gia đình người bệnh.

Về phương hướng giải quyết tình trạng an toàn giao thông dịp nghỉ lễ, Tết, ông Thanh cho rằng đây cũng là một vấn đề lâu dài. Trước tiên, phải tuyên truyền đến người dân bằng mọi hình thức thật cụ thể những quy định của pháp luật nhằm đảm bảo trật tự giao thông.

Tiếp đó là việc xử lý những trường hợp vi phạm phải thật nghiêm minh. Thứ ba là những người thực thi công vụ phải nghiêm túc, xử lý đúng người, đúng tội và bình đẳng trước pháp luật chứ không thể có chuyện “cho 10 phút gọi điện cho người thân”.

Cuối cùng, ông Thanh nêu rõ quan điểm yếu tố con người là trên hết, người tham gia giao thông trước hết là phải biết tự bảo vệ mình, sau đó mới đến bảo vệ cho sự an toàn của xã hội…

Các bác sỹ gặp khó khăn khi cấp cứu các bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao

Theo các bác sỹ Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Việt Đức, đa số các vụ tai nạn giao thông thường liên quan đến việc không chấp hành luật giao thông, đặc biệt số bệnh nhân vào viện có mùi rượu, bia, nồng độ cồn trong máu cao cũng tăng đáng kể trong số những bệnh nhân ở khoa cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông tại BV Việt Đức chủ yếu bị đa chấn thương, phối hợp nhiều tạng bị tổn thương, chiếm tới 80% số bệnh nhân cần cấp cứu tại BV Việt Đức. So với những năm trước thì số ca tai nạn giao thông nặng nhiều hơn.

Khi cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Bởi lẽ bệnh nhân thường bị kích thích, vật vã, giống triệu chứng chấn thương sọ não nhưng lại không hợp tác với bác sĩ để đánh giá mức độ tổn thương. Cùng một mức độ thương tổn nhưng với bệnh nhân uống rượu bia thì việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

 

Cao Tuân – Ngọc Tuấn

Theo Giadinh.net.vn