Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì:
Đối với ô tô
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h.
Đối với xe máy
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;
Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
Đối với các mức phạt trên các tài xế khi điều khiển phương tiện giao thông cần chú ý đến các biển báo hạn chế tốc độ, biển báo trong khu vực đông dân cư.
Phạt nặng khi mắc lỗi tại trạm thu phí
Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người vi phạm có thể bị xử phạt theo 3 lỗi: Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường: Phạt 200.000 - 400.000 đồng (căn cứ điểm a khoản 1); Người điều khiển xe đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định: Phạt 3 - 5 triệu đồng (căn cứ điểm đ khoản 5); Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông: Phạt 3 - 5 triệu đồng (căn cứ điểm b khoản 5).
Ngoài ra, theo khoản 11 Điều này, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 -3 tháng, nếu gây tai nạn có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Như vậy, với hành vi đi ô tô vào làn xe máy để tránh trạm thu phí, tổng hợp mức phạt có thể tới hơn 10 triệu đồng, đồng thời có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe lên đến 4 tháng.
Ngoài lỗi trên, việc lái xe lợi dụng việc không dừng mà cho xe đi qua làn ETC dù không có tài khoản trả phí tự động, hoặc có tài khoản nhưng không đủ tiền thanh toán sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019.
Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Bên cạnh đó, hành vi không đảm bảo khoảng cách giữa các xe cũng bị xử phạt. Thông thường biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” đã được đặt tại các vị trí dễ nhìn ở làn thu phí để các tài xế dễ dàng quan sát và thực hiện. Nếu lái xe không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu này có thể bị phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng (theo điểm l khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019).
Không chỉ có vậy, cách các cabin thu phí của các trạm BOT khoảng 50m thường có biển báo “Cấm dừng xe quá 5 phút” để hạn chế ùn tắc giao thông, bảo đảm điều kiện lưu thông thông suốt của người dân. Do đó, với những lái xe điều khiển xe dừng quá thời gian nêu trên cũng sẽ bị phạt về một trong các lỗi:
- Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng (điểm đ khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019);
- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông bị phạt từ 3 -5 triệu đồng: (điểm b khoản 5 Nghị định 100/2019)
Nguồn: https://baodansinh.vn/cac-loi-bi-phat-nang-khi-tham-gia-giao-thong-nam-2021-2021011518143866.htm