Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Lấn chiếm vỉa hè trở thành vấn nạn trên khắp các tuyến phố thủ đô

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm sức ép về nhu cầu gửi xe của người dân nhưng các bãi đỗ xe nói chung trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. Nhiều khu vực được quy hoạch làm điểm, bãi gửi xe nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều khu vực bãi gửi xe khác thì tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.

Thực trạng hoạt động có dấu hiệu vi phạm, sai phạm tồn tại ở các điểm trông giữ xe tại TP Hà Nội vẫn là một vấn đề nhức nhối. Nổi cộm nhất về vi phạm quy định sử dụng vỉa hè phải kể các đến điểm trông giữ xe trên các tuyến phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng...

Cụ thể, tại điểm trông giữ xe thuộc Công ty Hà Nội Bốn Mùa nằm ngay trên dải phân cách làn đường tuyến phố Đinh Tiên Hoàng. Tại điểm trông giữ xe này tận dụng luôn phần lòng đường sát dải phân cách làm nơi trông thêm các phương tiện ô tô.

Không ít bãi xe đã lấn chiếm toàn bộ vỉa hè các phố trung tâm Hà Nội. 

Khảo sát tại các tuyến phố: Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn, Tràng Thi (thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phóng viên ghi nhận được toàn bộ vỉa hè những tuyến phố này đều bị chiếm dụng 100% diện tích làm điểm trông giữ xe phục vụ cho Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức và những cửa hàng mặt đường tại khu vực...

...không còn không gian dành cho người đi bộ

Tại các điểm trông giữ xe này, dù phần vạch kẻ phân chia đường cho người đi bộ đã được thể hiện rất rõ ràng nhưng chủ các bãi giữ xe vẫn "chiếm giữ" toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ đã được thành phố quy định. 

Ngoài ra, trên địa bàn các phường thuộc quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai... vấn nạn này cũng đang xảy ra như "cơm bữa", người đi bộ đi dưới lòng đường trở thành hình ảnh "quen thuộc".

Hình ảnh các bãi xe lấn chiếm vỉa hè tràn lan trên khắp các tuyến phố, địa bàn Thủ đô

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chỉ được sử dụng ngoài mục đích giao thông trong một số trường hợp và phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, bằng cách nào đó tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra nhiều, thậm chí phổ biến.

Chính sách pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, từ ý thức người dân đến cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Việc “lót tay” cho cán bộ xã, phường để sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè là có hiện nay. 

"Người làm, kẻ phá": Tốn kém nhưng không như kỳ vọng

Về nguồn kinh phí đầu tư, theo Sở Xây dựng, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên có chi phí 500.000đ/m2. Tính chi tiết, tại dự án tuyến phố Nguyễn Du (diện tích khoảng 6.624m2) là hơn 11 tỷ đồng; tuyến phố Bà Triệu (diện tích 7.982m2) là gần 15 tỷ đồng; tuyến Đại Cồ Việt (diện tích 9.947m2) là 14 tỷ 900 triệu đồng… 

Được biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hiện có 9 dự án (tuyến phố) bảo trì, chỉnh trang hè phố trong năm 2017, trong đó có 6 dự án đang tiến hành triển khai. Tính toán trung bình, mỗi mét vuông quận Hai Bà Trưng phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/m2 vỉa hè.

"Người làm, kẻ phá" khiến cho việc lát đá tự nhiên vỉa hè tốn kém nhưng không được như kỳ vọng

Tương tự tại quận Hoàng Mai, cũng có 2 tuyến phố được chỉnh trang, lát đá tự nhiên vỉa hè. Đó là tuyến đường 2,5 (đoạn cầu Đền Lừ đến ngã ba hồ Đền Lừ) và đường Giải Phóng (đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3).

Trong đó, kinh phí lát đá vỉa hè dao động từ hơn 475.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/m2 (tuỳ đoạn vỉa hè rộng hẹp).

Số tiền đầu tư này đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch. Thế nhưng, thực tế, nhiều vỉa hè tại TP Hà Nội sau khi được "đại tu" lại bị trưng dụng làm nơi dừng đỗ các phương tiện, trong đó có ô tô. Thậm chí, nhiều điểm trông giữ xe đã được dựng lên, sử dụng mặt bằng từ chính những vỉa hè phố. Điều này không những khiến không gian của người đi bộ bị thu hẹp mà còn là tác nhân gây ra tình trạng xuống cấp, hư hỏng vỉa hè trên nhiều tuyến phố.

Yêu cầu xử phạt thật nặng vấn nạn trông giữ xe trên vỉa hè

Kết cấu vỉa hè chỉ có thể đủ sức chịu đựng với người đi bộ, trước tình trạng một loạt các phương tiện ô tô trọng tải lớn đỗ, đi trên vỉa hè như vậy thì vỉa hè rơi vào tình trạng nứt, sụt lún là điều khó tránh khỏi.

Đánh giá về tình trạng trên, ông Hoàng Thế Tùng - Vụ phó Vụ An toàn giao thông (thuộc Bộ Giao thông vận tải) từng chia sẻ, vỉa hè vốn là nơi dành riêng cho người đi bộ. Do đó, kết cấu của vỉa hè mang tính đặc thù và có sự khác biệt rất lớn so với lòng đường và những mặt bằng hạ tầng giao thông khác.

Việc các phương tiện dừng đỗ sai quy định....

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là vỉa hè có kết cấu cường độ nhẹ hơn so với đường. Điều này khiến vỉa hè chịu được áp lực tải trọng phương tiện di chuyển trên bề mặt thấp hơn nhiều. Khi nhiều phương tiện di chuyển trên vỉa hè, đặc biệt là phương tiện có tải trọng lớn như ô tô sẽ dễ khiến kết cầu này bị phá vỡ, từ đó dẫn đến hiện tượng sụt lún, bong tróc, xuống cấp của vỉa hè.

Vụ phó Vụ An toàn giao thông cho rằng, hiện nay do thực tiễn đời sống, đặc biệt là mặt bằng dừng đỗ xe ô tô ở Hà Nội ngày càng hạn chế nên tình trạng ô tô đi trên vỉa hè, dừng đỗ trên vỉa hè và cả những điểm trông giữ xe được tổ chức ngay trên vỉa hè xuất hiện ngày càng nhiều.

Điều này vừa khiến vỉa hè xuống cấp, vừa hạn chế không gian của người đi bộ cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi bộ. “Các lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm để răn đe và ngăn nguy cơ tai nạn cho người đi bộ” – ông Tùng đề nghị.

...là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nứt đá vỉa hè.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi ô tô đi trên vỉa hè đã có chế tài xử phạt từ lâu. Điều này được quy định cụ thể trong Nghị định 46/2016 của Chính phủ với chế tài xử phạt rất nặng.

Tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 46 quy định các hành vi người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

“Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển ô tô vi phạm một trong những điều trên có thể sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng” – Luật sư Ứng cho hay.

Để chấm dứt vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành nơi trông giữ xe, thu phí trái quy định, UBND quận Hoàn Kiếm nói riêng và các Quận khác trên địa bàn nói chung cần làm rõ với các đơn vị trong công tác quản lý địa điểm trông giữ xe. Đồng thời UBND các phường quản lý trực tiếp cũng cần xử lý triệt để các đối tượng vi phạm bằng các biện pháp mạnh, tăng cường lực lượng tuần tra, lực lượng an ninh đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân.


Theo Trúc An/Đô thị mới