Hàng dựng hay ngôn ngữ thương gia gọi là hàng đóng lại là sản phẩm thường được nhập từ xưởng gia công dựng lại đặt tại Trung Quốc. Ở đây, công nhân sẽ thay thế và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng và hỏng hóc để có thiết bị mới có thể sử dụng được.
Các sản phẩm thường được nhập lại với số lượng lớn từ nhà mạng hay nhà phân phối sau quá trình đổi trả bảo hành cũng như nhập mua sản phẩm hỏng hóc từ người sử dụng. Ở đây, các thiết bị sẽ được phân loại thành nhiều mức với giá thành khác nhau.
Với hàng đẹp, nguyên bản, chưa sửa chữa có thể được đẩy đi ngay với mức giá cao. Còn lại sẽ được sửa chữa và thay thế để tạo thành sản phẩm sử dụng tốt, mẫu mã tương đối đem đi tiêu thụ.
Tùy vào hình thức và mức độ sửa chữa, các máy sẽ có giá bán, số lượng khác nhau. Tất nhiên, với đặc điểm như vậy, hàng dựng chỉ xuất hiện ở thị trường điện thoại cũ và đây là thị trường sôi động nhất hiện nay tại Việt Nam.
Hàng nhái và hàng dựng khác nhau. Hàng nhái thông thường chỉ có ngoại hình tương đối giống với sản phẩm chính hãng nhưng về chức năng, hệ điều hành có thể có sự khác biệt và giá thành rẻ.
Với hàng dựng, người tiêu dùng vẫn đang sở hữu trong tay một thiết bị chứa đựng linh kiện từ nhà sản xuất nhưng đã được "mod" lại theo ý các xưởng sản xuất, bởi vậy, có nhiều trường hợp hàng dựng vẫn có thể sử dụng được bình thường và ít gặp lỗi lầm.
Cách nhận biết smartphone hàng dựng:
Mỗi hãng điện thoại đều có những cách phân biệt hàng dựng khác nhau tuy nhiên vẫn có những cách cơ bản dành cho bạn, những người đang tìm mua một chiếc điện thoại cũ với mức giá tốt. Điện thoại dựng thường có những đặc điểm sau:
- Vỏ máy còn rất mới nhưng khá ọp ẹp và chất liệu nhựa cảm giác dại, không bền.
- Trên máy thường có rất nhiều tem chằng chịt nhau, một phần vì đã qua nhiều tay buôn và một phần do lắp ráp qua nhiều bộ phận. Thông thường tem này thường có tiếng Trung Quốc.
- Sử dụng không mượt mà, các phím bấm cứng và gần như chưa có dấu hiệu sử dụng....
- Màn hình có màu sắc không đồng đều, quá ám màu và đục, các viền màn hình do làm thủ công với tốc độ cao sẽ không khít và nhiều trường hợp sẽ bị loang màu hay loang keo do chất lượng kém
- Giá rẻ và đặc biệt được các thương gia bảo hành khá ấn tượng do giá linh kiện rẻ, dễ dàng thay thế.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng có một phương pháp rất phổ thông đó là xem dấu hiệu ốc có bị mở ra hay không, song, cách này hiện nay lỗi thời.
Theo các thương gia, việc họ nhập sản phẩm về cũng phải tháo ốc để xem qua linh kiện bên trong nhằm đảm bảo quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của khách hàng, vì thế sẽ không tránh hỏi tình trạng ốc bị xước xát cũng như có dấy hiệu tháo mở.
5 mẫu smartphone xách tay dễ dính hàng dựng:
iPhone 5C
Với giá từ 2 đến 3 triệu đồng, iPhone 5C khóa mạng Nhật Bản đã gây sốt trên thị trường điện thoại xách tay trong nước nửa đầu 2015. Có những thời điểm nhu cầu mua máy tăng cao khiến nhiều chủ cửa hàng nhập ồ ạt về để bán cho khách.
Với chất lượng phần cứng đã qua "tân trang" từ các lò "nấu" điện thoại ở Trung Quốc, iPhone 5C lock Nhật còn được các cửa hàng bán với cam kết một đổi một khi có sự cố, vì bản thân model này khó sửa chữa hơn iPhone vỏ kim loại. Một số chủ cửa hàng tại TP HCM thậm chí từ chối bán mặt hàng này vì lời ít và rủi ro cao.
iPhone 5
Khác với iPhone 5C, iPhone 5 từ lâu đã không còn được Apple sản xuất, do đó, hầu hết các máy xách tay mới trên thị trường đều là hàng "dựng". Các bộ phận chính như camera, bo mạch, pin,... đều được "nấu" lại từ nhiều xác máy.
Để lừa người tiêu dùng là máy mới, giới kinh doanh iPhone 5 thường đóng lại hộp giấy, in lại số serial trùng với máy, thêm vào các phụ kiện "lô" và bọc lại bằng lớp giấy bóng kính.
HTC One M8
Sau One M7, đến lượt HTC One M8 xách tay được bán tràn lan tại Việt Nam với giá từ 6 đến 7 triệu/chiếc. Tuy không phải là một sản phẩm đủ sức gây sốt thị trường như iPhone 5C, nhưng One M8 lại là model có tỷ lệ hàng dựng cao nhất chỉ sau iPhone.
Trên nhiều trang rao vặt, nhiều thành viên có kinh nghiệm thường xuyên chia sẻ những mẹo nhận biết hàng dựng như ép mạnh tay vào màn hình dò lỗi lóa màu, nhìn vào khe giữa máy để quan sát các vết keo,...
Samsung Galaxy Note 3
Dù là một sản phẩm đã hơn 2 năm tuổi, nhưng Galaxy Note 3 vẫn được bán nhiều trên thị trường nhờ giá tốt, cấu hình mạnh và bút S-pen tiện dụng. Model này hiện có giá 5-6 triệu đồng cho phiên bản Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Galaxy Note 3 tại Việt Nam có nhiều nguồn gốc. Nếu may mắn, người dùng có thể mua được Galaxy Note 3 cắt hợp đồng, xách tay từ Hàn Quốc. Số còn lại là hàng dựng đều nhập từ Trung Quốc, vốn đã qua các "lò" nấu lại điện thoại cũ.
Máy loại này thường được làm lại vỏ, bo mạch chính và các linh kiện quan trọng hầu như vẫn hoạt động được nhưng chất lượng không đồng đều và có thể "đột tử" bất kỳ lúc nào.
Sony Xperia Z2
Tương tự với những model trên, Xperia Z2 là mẫu smartphone cao cấp của năm cũ nên đã có hàng dựng trên thị trường và hiện được bán với giá 6 đến 7,5 triệu đồng tuỳ tình trạng máy.
Trên các diễn đàn công nghệ, nhiều người dùng có kinh nghiệm đã chia sẻ những cách để kiểm tra khi mua Xperia Z2 là quan sát hình thức bên ngoài, phụ kiện, nhập lệnh *#*#7378423#*#* để xem tình trạng bootloader đã bị mở hay chưa và quan trọng nhất là thử khả năng chống nước.
Nếu máy bị vào nước, chứng tỏ đã qua các công đoạn tân trang bên trong và người dùng không nên mua.