Theo quan niệm văn hóa dân gian, tháng Chạp là tháng hay bị xui xẻo, là tháng có thể dễ mất mát tiền của, hay bị tai bay vạ gió. Chính vì vậy, nhiều người hao của vì những lý do không đâu. Do đó, nhiều gia đình đã sắp xếp mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp rất cẩn thận với hi vọng tai qua nạn khỏi, hết tai bay vạ gió.

Ngày rằm nói chung và ngày rằm tháng Chạp nói riêng còn được biết đến với tên gọi ngày Vọng. Đây là thời điểm có sự thông suốt của mặt trăng và mặt trời, điều đó có nghĩa con người và thần linh, tổ tiên tương thông với nhau, những lời cầu nguyện của con người sẽ dễ được đề đạt hơn.

Lễ cúng rằm tháng Chạp còn là cách để con người có thể đẩy lùi những thứ cũ kỹ sâu thẳm trong lòng. Tùy theo từng tập tục của mỗi địa phương mà lễ cúng rằm tháng Chạp lại có những quy định, thay đổi về thời gian khấn hay đồ lễ cúng khấn.

Cách soạn mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp

Giống như mâm cỗ ngày Rằm trong năm khác, nâm cỗ cúng vào tháng Chạp không cần chuẩn bị cầu kỳ, tốn kém mà chỉ cần thành tâm. Đối với đồ lễ cúng Rằm tháng Chạp, thông thường chuẩn bị mâm lễ chay như:

- Nến/đèn dầu

- Nước sạch

- Trầu cau

- Hoa quả (thường dâng lên tổ tiên và thần linh quả dưa hấu, cam, chuối, bưởi, táo .... Khi mua, bạn nên lựa chọn những quả tươi, có hình thức đẹp)

- Hoa tươi (hoa có ý nghĩa tâm linh là hoa huệ, hoa cúc nên bạn có thể mua hoa này)

- Hương

Đối với một số gia đình muốn chuẩn bị tươm tất hơn thì có thể chuẩn bị thêm lễ mặn.

Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Chạp gồm những gì?

Theo quan niệm của người xưa, mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp thường gồm các món chính như: Gà luộc, xôi đỗ hoặc xôi gấc, canh miến, giò hoặc chả, rượu gạo và một vài món mặn khác.

Gà luộc, gia chủ nên chọn gà trống. Bởi gà trống là biểu tượng của đức tính Trí, Dũng, Nhân. Xôi thì nên chọn xôi gấc, bởi xôi này có màu đỏ với mong muốn cầu xin sự bình an, may mắn cho gia chủ và các thành viên khác trong gia đình.

Ngoài ra, nếu không có điều kiện chuẩn bị xôi gấc thì bạn cũng có thể chọn xôi đỗ hoặc bánh chưng để thay thế.

Tại một số vùng miền, mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp và các ngày lễ tết còn có thêm bát canh măng khô nấu cùng xương heo hoặc canh bóng bì....

Về món xào mặn thì gia chủ hoàn toàn có thể chọn thịt bò xào, thịt heo xào hoặc lòng mề gà xào giá... Tùy thuộc vào điều kiện mà bạn có thể chuẩn bị thêm hoặc thay thế các món trên mâm cỗ mặn cúng ngày rằm cuối cùng của năm.

Thời gian cúng

Không nên làm lễ cúng quá sớm hay quá muộn. Gia chủ có thể bắt đầu làm lễ cúng từ ngày 14 cho tới ngày 15 âm lịch tháng Chạp.

Phải tắm gội sạch sẽ trước khi cúng

Trước khi làm lễ cúng rằm tháng Chạp, người làm lễ thường phải tắm gội sạch sẽ, đầu tóc quần áo gọn gàng, thể hiện sự trang nghiêm, trịnh trọng với nghi lễ cúng.

(*)Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!

Theo An An (tổng hợp)/Đô Thị Mới