Đây là quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.
Theo dự thảo, nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ là: Bộ Tài chính thực hiện quản lý thu, chi ngân sách trung ương đối với các nguồn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương.
Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tại địa phương thực hiện quản lý thu, chi ngân sách địa phương đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách địa phương đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương ghi chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương. Các khoản viện trợ theo hình thức phía Việt Nam trực tiếp quản lý điều hành được kiểm soát chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Đối với các khoản viện trợ bằng tiền theo phương thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách chung: Tiền ngoại tệ viện trợ được chuyển vào Quỹ ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước. Việc bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện theo kế hoạch bán ngoại tệ được Bộ Tài chính phê duyệt. Việc chi tiêu cho chương trình, dự án, phi dự án thực hiện theo quy định chi tiêu vốn ngân sách nhà nước.
Đối với khoản viện trợ bằng tiền theo phương thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách có mục tiêu thì: Trường hợp Điều ước quốc tế hoặc Thoả thuận viện trợ không có quy định về việc giải ngân qua Ngân hàng phục vụ, số ngoại tệ được chuyển vào Quỹ ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước theo quy định nêu trên.
Trường hợp Điều ước quốc tế hoặc Thoả thuận tài trợ có quy định việc giải ngân qua Ngân hàng phục vụ, số ngoại tệ viện trợ được chuyển vào tài khoản của Bộ Tài chính (hoặc của chủ dự án) tại Ngân hàng phục vụ.
Đối với các khoản viện trợ theo phương thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách có mục tiêu theo danh mục chương trình, dự án cụ thể: Trên cơ sở yêu cầu của chủ chương trình/dự án, căn cứ kết quả kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước, Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng phục vụ thực hiện giải ngân cho chủ chương trình, dự án theo quy định.
Việc tiếp nhận viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP đối với vốn viện trợ thuộc nguồn ODA, Điều 24 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP đối với vốn viện trợ không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức; khoản 2 Điều 19, 20 Nghị định số 50/2020/NĐ-CP đối với viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/cam-dung-tai-khoan-ca-nhan-de-tiep-nhan-von-vien-tro-nuoc-ngoai-thuoc-nguon-thu-ngan-sach-nha-nuoc-235294.html?fbclid=IwAR39inwBajKEGdyupcPyxvuGiUOPKnYKs-pvsf0zhpAtMI7gspjQ_IcoiK0