Theo đó, việc phát triển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật bảo vệ môi trường năm 2020; Chỉ thị số 03-CT/TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

"Đồng thời, đây cũng là biện pháp giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải trong "Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Do đó, để khuyến khích phát triển xe điện, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Bộ Tài Chính cần có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp như thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.

Bộ Tài chính nên tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về chính sách ưu đãi và thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước để tham mưu với Chính Phủ, Quốc hội đưa ra lộ trình ưu đãi phù hợp", Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.

Bộ Tài chính cần có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp như thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với ô tô điện.
Bộ Tài chính cần có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp như thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với ô tô điện.

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ TN&MT tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện.

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân đang rất cao. Các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng hạn chế hoặc bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ô tô điện chiếm tỉ lệ rất nhỏ và chỉ có VinFast đầu tư, sản xuất.

“Trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong phát triển xe điện là cơ sở hạ tầng: Trạm sạc còn thiếu, năng lượng cung cấp điện chủ yếu từ nguồn nhiên liệu có phát thải CO2 cao, chiếm gần 50% tổng sản lượng điện huy động, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, sức gió, sinh khối) chỉ chiếm 4,3% và được coi là nguồn điện không ổn định”, Bộ Tài chính cho hay.

Thêm vào đó, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện ở 3 mức độ tương ứng với ba chủng loại xe khác nhau. Xe ô tô điện dưới 9 chỗ ngồi có thuế suất 15%, xe chở người từ 10 - 16 chỗ ngồi là 10% và xe từ 16 - 24 chỗ ngồi là 5%.

Đối với lệ phí trước bạ, hiện mới chỉ có ưu đãi với xe buýt sử dụng năng lượng sạch nhằm góp phần khuyến khích phát triển phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường, tuy nhiên chưa ưu đãi đối với xe cá nhân.

Chính vì vậy, để khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội, vì vậy phải trình Quốc hội sửa luật.

Đồng quan điểm với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng cho rằng việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin là cần thiết. Điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Thủ tướng.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường nên được xem xét.

Theo Thùy Linh/Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/can-co-chinh-sach-uu-dai-de-day-manh-phat-trien-o-to-dien-56326.html