Tuyên chiến với “tín dụng đen”
“Tín dụng đen” sở dĩ có thể nở rộ trong nhiều năm qua là bởi một thời gian dài, hệ thống ngân hàng còn mỏng, dịch vụ cho vay chưa bám sát nhu cầu người vay, chưa tiếp cận được người dân ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, thủ tục, quy định trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) còn rườm rà, phức tạp. Trong khi đó “tín dụng đen” lại tiếp cận khách hàng rất nhanh, thủ tục ngắn gọn, không cần thế chấp, không cần chứng minh nhân dân… Cũng chính bởi vậy, “tín dụng đen” đã để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội, từ xóm trọ đến khu công nghiệp, thậm chí trường đại học.
Mới đây, báo chí đưa tin chị Lê Thị Thanh T (32 tuổi, quê Long An) hiện là công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) được một đồng nghiệp giới thiệu vay tiền từ một đường dây cho vay tín dụng. Từ số tiền 30 triệu đồng, chỉ 2 tháng sau, nợ của chị T nhảy lên 110 triệu đồng. Không trả được tiền, nhóm người cho vay tiền đã “tổ chức” bắt cóc, dọa dẫm chị để tống tiền. Vụ việc chỉ dừng lại khi lực lượng công an kịp thời giải cứu.
Gần đây, hồi đầu tháng 1.2019, công an tỉnh Bình Định đã kiểm tra và triệu tập 8 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cho vay 470 lượt với tổng số tiền là 6.396 tỷ đồng chỉ trong thời gian từ 11.11.2018 đến ngày 7.1.2019. Trước đó, công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá tổ chức tín dụng đen Nam Long cho vay với lãi suất lên đến 1.000%/năm, hoạt động tại 63 tỉnh, thành. Với vụ án này, có 9 bị can bị khởi tố, trong đó, tạm giam 4 tháng với 7 bị can, phát lệnh truy nã 2 kẻ bỏ trốn.
Lý giải dưới góc độ nguồn vốn và nhu cầu của người dân, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, gần đây, “tín dụng đen” đã bùng phát mạnh mẽ ở nước ta. Điều đó cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này.
Nhìn từ vĩ mô, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ ra rằng: Sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo sự thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng, đó là:
Không nhất thiết phải là “tiết kiệm trước, tiêu sau” mà có thể là “vay mua trước, trả sau”. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ; việc tiếp cận TDTD chính thức còn thiếu bao trùm khi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít; ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại công ty tài chính (CTTC) và 60% tại NHTM chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vốn, cho thấy dư địa cho thị trường TCTD là rất lớn. “Nghĩa là, phát triển TCTD không chỉ đẩy lùi “tín dụng đen”, mà còn là một con đường, một động lực, một cách thức để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, khó có thể ước tính được quy mô “tín dụng đen hiện” đã bành trướng đến mức độ nào, song có thể khẳng định là cực kỳ lớn. “Tín dụng tiêu dùng, kênh ngân hàng chính thống, quỹ tín dụng, giải pháp tài chính vi mô… không thể ngăn chặn, đẩy lùi hoàn toàn “tín dụng đen” bởi hiện nay nó đang hoạt động rất mạnh mẽ, bất chấp pháp luật.
Tuy nhiên, dù chỉ hạn chế được mức độ nào đó thì việc phát triển cho vay tiêu dùng vẫn cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, ông Đức nhìn nhận. Dưới góc độ thị trường, theo vị luật sư, khi cầu có sẵn và tương đối ổn định, việc nguồn cung vốn hợp pháp phát triển lành mạnh sẽ giúp cho thị trường cân bằng hơn. Đặc biệt, điều này rất có lợi cho người dân bởi họ được tiếp cận khoản vay hợp lý với nhu cầu của bản thân và thủ tục đơn giản hơn.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dịch vụ tín dụng tiêu dùng rất quan trọng bởi nó chiếm đến 80% nhu cầu tín dụng của thị trường. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên chiến với “tín dụng đen” và mang lại lợi ích cho người dân, tín dụng tiêu dùng còn giúp phát triển nền kinh tế tiêu dùng, giúp tăng trưởng của nền kinh tế giảm lệ thuộc vào khối xuất khẩu như hiện nay.
Thị trường quyết định lãi suất
Theo luật sư Trương Thanh Đức, với ý nghĩa không nhỏ của tín dụng tiêu dùng, cần tạo hành lang thông thoáng cho loại hình cho vay này phát triển. “Nếu cứ hô hào ngăn chặn “tín dụng đen” mà không tạo điều kiện cho hình thức hợp pháp được hoạt động thì không giải quyết được vấn đề gì. Câu chuyện ở đây là cung - cầu. Khi được tạo điều kiện, cầu và cung gặp nhau, nhà đầu tư thấy môi trường thuận lợi sẽ lao vào làm dịch vụ đó, tất yếu sẽ hạ lãi suất để cạnh tranh, có lợi cho người vay”, luật sư Đức phân tích.
Ông cũng góp ý mức lãi suất cho vay tiêu dùng như hiện nay cũng đang phù hợp. Cho vay tiêu dùng nên được phép có dải lãi suất đạt được mức 50%, bởi nếu không sẽ “phản tác dụng”, khiến “tín dụng đen” có cơ hội nở rộ hơn. Chuyên gia Bùi Kiến Thành đồng tình nên áp dụng lãi suất thoả thuận trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có biện pháp quản lý để tránh tình trạng đẩy lãi suất lên quá cao. Ông Thành nêu quan điểm: “Tạo hành lang thực sự thông thoáng cho tín dụng tiêu dùng là rất đúng đắn nhưng NHNN cần có cách quản lý nghiêm túc để đảm bảo lãi suất tín dụng tiêu dùng ở mức hợp lý. Hiện, Pháp hay một số tiểu bang của Mỹ đều có dải lãi suất vay tiêu dùng hợp lý, được quản lý chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi cho cả bên cho vay và bên đi vay. Chúng ta rất nên học tập”.
Trong khi đó, việc áp trần lãi suất sẽ khiến công ty tài chính khó phát huy hết vai trò của mình trong việc tung các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu của khách hàng với những chính sách phù hợp và lãi suất cạnh tranh. Như nhận định của TS. Cấn Văn Lực: “Theo tôi, không nên áp trần lãi suất, vì trong hệ thống ngân hàng, bên cho vay và bên vay đã có thỏa thuận về lãi suất. Nếu cho vay tiêu dùng áp trần lãi suất trong điều kiện rủi ro sẽ không ai dám cho vay, tức vô hình chung bóp nghẹt cho vay tiêu dùng. Thực tế ở Anh cũng đã chứng minh áp trần lãi suất làm méo mó thị trường cho vay tiêu dùng”.