Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian gần đây, Cục đã tiếp nhận phản ánh của một số cơ quan báo chí truyền thông và người tiêu dùng về việc người tiêu dùng “bất đắc dĩ” nhận được đơn hàng từ các website thương mại điện tử mặc dù họ không thực hiện đặt hàng trên các website đó.
Theo phản ánh, các đối tượng thường gửi bưu kiện đến địa chỉ nhà riêng người tiêu dùng (với đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng…) khi người tiêu dùng không ở nhà, do đó người nhà nhận thay mà không xác nhận lại với họ về việc có đặt mua sản phẩm hay không.
Thông thường, các đơn hàng này có giá trị nhỏ nên người nhà khi nhận hàng hộ đã trả tiền cho bên vận chuyển mà không kiểm tra sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm nhận được không đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng. Ví dụ, bên ngoài bưu phẩm ghi là phụ kiện thời trang, nhưng khi mở ra là 1 cái kẹp giấy, tuýp kem đánh răng hoặc vật dụng có giá trị nhỏ khác.
Ảnh minh họa
Để tránh tình trạng nêu trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo mgười nhận hàng cần thận trọng, xác nhận kỹ với người nhà về việc có đặt hàng tại webiste thương mại điện tử hay không; kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán để đảm bảo sản phẩm đúng như mô tả tại vận đơn giao hàng.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng yêu cầu các website thương mại điện tử và các đơn vị hỗ trợ vận chuyển rà soát lại quy trình giao hàng và xác nhận đơn hàng tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.
Trường hợp gặp tình trạng bị giao sản phẩm mà mình không đặt hàng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị người tiêu dùng cần phản ánh với Cục theo địa chỉ: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử; điện thoại: 024.22205512; email: [email protected]).
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố hồi tháng 9, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ là trở ngại lớn thứ 2 với người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm trực tuyến, chỉ xếp sau lo ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn chưa tham gia mua sắm trực tuyến, bên cạnh các lý do khác như: khó kiểm định chất lượng hàng hóa, không đủ thông tin để ra quyết định, cách thức đặt hàng trực tuyến quá rắc rối...