Trên thế giới, nhiều cảng lớn ùn tắc nghiêm trọng, kéo theo giá cước vận tải tăng phi mã, ảnh hưởng không nhỏ tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Sự thiếu hụt container rỗng hiện nay tại Việt Nam xuất phát không chỉ bởi những lý do khách quan mà còn có các yếu tố chủ quan đối với ngành logistics Việt Nam. Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ tới việc dịch chuyển dòng container trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Thời điểm cuối tháng 7/2021, cảng Cát Lái, cảng biển đảm nhận 40% hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, có hiện tượng 80% mặt bằng cảng liên tục trong tình trạng ứ đọng conntainer. 

Nhiều địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hàng nhập về chứa đầy các kho, mặt bằng cảng cũng bị chiếm dụng để phục vụ container hàng nhập khẩu.

Thiếu hụt container rỗng (Ảnh: Bộ Công Thương)
Thiếu hụt container rỗng (Ảnh: Bộ Công Thương)

Việc bảo đảm ổn định hoạt động khai thác cảng biển không chỉ giúp cho hàng hóa duy trì lưu thông để tiếp tục đà tăng trưởng mà còn mang đến lợi thế cho các hiệp hội, chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình thương lượng giá cước vận chuyển với hãng tàu.

Nhận diện nguy cơ tắc nghẽn tại cảng biển, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị chuyên môn, phân tích tình hình, đề xuất các phương án xử lý và đưa ra cơ chế phối hợp, tập trung di chuyển khẩn cấp các container tồn bãi vào các bãi ICD trong các khu, cụm công nghiệp.

Điển hình, sau 1 tuần triển khai quyết liệt, đồng bộ, diện tích khai thác cảng Cát Lái được đưa về ngưỡng an toàn, luôn trống từ 25-40% công suất bãi, nguy cơ ùn tắc được ngăn chặn và hoạt động tiếp nhận tàu, phục vụ hàng xuất nhập khẩu tại Cát Lái ổn định.

Cảng Cát Lái ổn định trở lại (Ảnh: VPG News)
Cảng Cát Lái ổn định trở lại (Ảnh: VPG News)

“Với các cảng khác trong cả nước, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng hải và các doanh nghiệp cảng liên tục rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án di dời container, tăng cường liên kết giữa các cảng trong cùng khu vực và trên cả nước, nếu nguy cơ ùn tắc xuất hiện ở một cảng bất kỳ, dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu không bị gián đoạn. Đến nay, cảng biển Việt Nam không tái diễn tình trạng tắc nghẽn”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) chia sẻ.

Ông Giang cho biết thêm: Nhờ sự ổn định của cảng biển, giá cước vận tải biển của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực trên cùng tuyến. Đơn cử, giá cước trên cùng chặng đến cảng Los Angles, giá cước hãng tàu đang thu của chủ hàng Việt Nam thấp hơn các nước từ 500-1.000 USD. Trong khi các cảng biển lớn trên thế giới tắc nghẽn gây ra tình trạng thiếu container, thiếu tàu, song, các khoản phụ phí hãng tàu áp dụng tại Việt Nam không tăng, không phát sinh phụ phí mới.

Xét về quy mô xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Thị trường tiềm năng cùng việc ngăn chặn hiệu quả nguy cơ ùn tắc tại cảng biển sẽ thu hút các hãng tàu mở thêm tuyến dịch vụ, duy trì định tuyến, định chuyến, giúp hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam thoát được cảnh bị động trong bối cảnh “thiếu tàu, khan container”, duy trì chuỗi cung ứng và đà tăng trưởng.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cang-bien-viet-nam-khong-tai-dien-tinh-trang-tac-nghen-60407.html